Đề xuất kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân
Sáng 22.10, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức tọa đàm “Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội”.
Một khu nhà ở xã hội ở trên địa bàn xã Kim Chung (huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) sắp hoàn thành. Ảnh: Hải Nguyễn |
Số lao động trở lại còn ít
Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – cho biết, Việt Nam đang là địa điểm thu hút nhiều “ông lớn” về công nghiệp điện tử trên thế giới, có 6 công ty điện tử lớn nhất đã xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, giống như các doanh nghiệp công nghiệp đang gặp phải là ngành công nghiệp điện tử thiếu lao động sau dịch.
Bà Hương cho hay, đại dịch ảnh hưởng vô cùng lớn tới sản xuất điện tử, đặc biệt khu vực TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Tính tới ngày 21.10, các doanh nghiệp điện tử phía Nam mới thu hút được khoảng 60 – 70% lao động quay trở lại làm việc.
Đơn cử như các phân xưởng của Samsung tại Khu Công nghệ cao TP.HCM dự định hoạt động 100% công suất trở lại trong tháng 11, nhưng với tình hình này vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tỉ lệ lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine chưa cao. Nhìn chung tình trạng thiếu lao động vẫn đang khá trầm trọng.
Bên cạnh đó, bà Hương cũng cho biết, hiện nay các doanh nghiệp FDI vẫn đánh giá đào tạo của lao động Việt Nam chưa theo kịp nhu cầu của doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp khi tuyển công nhân đều phải đào tạo lại, mất ít nhất 1 tuần đến cả tháng với lao động giản đơn, còn với công nhân đứng máy phải mất vài tháng hoặc cử ra nước ngoài để đào tạo lại…
Theo ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, đợt dịch vừa qua khiến 800 nhà máy trong khu công nghiệp phải đóng cửa, 700 nhà máy thực hiện 3 tại chỗ, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI do không thể để đứt gãy sản xuất, mất chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp phải thuê khách sạn, tốn thêm chi phí để thuê chỗ ở cho công nhân.
“Đến ngày 22.10, 91% doanh nghiệp của khu công nghiệp đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, với 70% lao động trở lại làm việc, còn 100.000 lao động ở tỉnh xa chưa trở lại” – ông Bé cho biết và mong muốn cần có chính sách để đưa người lao động trở lại làm việc.
Xây dựng phương án hỗ trợ lao động
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, TP.HCM đang có kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, đây cũng là giải pháp lâu dài, căn cơ để đảm bảo cuộc sống an sinh, xã hội cho người lao động.
Bên cạnh đó, đại diện Sở Lao Động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP.HCM cũng cho hay, hiện nay nhiều lao động khi quay trở lại không muốn làm lại nghề cũ, do vậy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm cũng cần bắt tay để bồi dưỡng, đào tạo lại người lao động.
TS. Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại tọa đàm. |
“Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút lao động như hỗ trợ về kinh phí thuê nhà, chi phí vận chuyển, chi phí xét nghiệm tầm soát COVID-19… Đồng thời, các tỉnh nên có chương trình, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ đưa người lao động ở các tỉnh có nhu cầu quay lại thành phố làm việc” – đại diện Sở LĐTBXH TP.HCM cho hay.
Để khôi phục lại thị trường lao động hậu COVID-19, TS. Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy – cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng 2 phương án.
Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Theo đó, đưa 500.000 học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); 500.000 học sinh sinh viên thành thạo (năm 2 hoặc năm 3) vào làm việc tại doanh nghiệp.
Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để đảm bảo nâng cao tay nghề.
TS. Trương Anh Dũng – Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – cho rằng, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang gặp phải tình trạng khi dịch COVID-19 xảy ra thì tỉ lệ thất nghiệp rất lớn, lao động rời thị trường nhiều. Ngược lại khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp sản xuất trở lại thì thiếu hụt lao động xảy ra.
Trong bối cảnh này, ông Dũng cho rằng, doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần doanh nghiệp để giúp học sinh, sinh viên thực hành. Điều này cần sự chung tay của cả các cơ quan quản lý Nhà nước.
Nguồn: Báo xây dựng