Đề xuất hơn 700 tỷ đồng sửa chữa đường cất hạ cánh sân bay Vinh
Đề xuất hơn 700 tỷ đồng sửa chữa đường cất hạ cánh sân bay Vinh
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất lên Bộ GTVT phương án cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận phương án cải tạo, sửa chữa và danh mục chuẩn bị đầu tư Dự án cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh – Nghệ An.
Để đảm bảo năng lực khai thác của Cảng hàng không quốc tế Vinh theo quy hoạch, ACV cũng kiến nghị Bộ GTVT thống nhất với UBND tỉnh Nghệ An nghiên cứu phương án đầu tư bao gồm công tác giải phóng mặt bằng theo ranh giới quy hoạch được duyệt để xây dựng bố trí hệ thống đèn tiếp cận CAT1, bổ sung kích thước dải bay, hệ thống hàng rào an ninh… theo quy định.
ACV đề xuất nghiên cứu tận dụng hệ thống đèn tiếp cận thu hồi từ Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho Dự án cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh – Nghệ An.
Theo báo cáo kết quả kiểm định, đánh giá hiện trạng của Công ty TNHH một thành viên thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC, hiện đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh đã bị xuống cấp, hết tuổi thọ thiết kế.
Mặt đường bê tông nhựa đã xuất hiện các loại hư hỏng điển hình: bề mặt bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe; nứt dọc, nứt rạn chân chim; bong bật cốt liệu bê tông nhựa… theo vệt lăn càng trước và càng sau của máy bay, ảnh hưởng đến an toàn khai thác.
Để đảm bảo khai thác an toàn, bền vững, lâu dài, nâng cao năng lực khai thác của Cảng hàng không quốc tế Vinh có khả năng khai thác được các tàu bay mới hiện đại như A320/A321 đầy tải, ACV đề nghị cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, hệ thống đường lăn hiện hữu; xây dựng dải hãm phanh hai đầu đường cất hạ cánh, kích thước 100x60m; cải tạo, sửa chữa dải bảo hiểm đầu (RESA), dải bảo hiểm sườn đồng bộ…
Trong đó, đường cất hạ cánh được đề xuất sử dụng giải pháp kết cấu mặt đường là bê tông xi măng lưới thép để khắc phục triệt để sự hư hỏng xuống cấp, kéo dài tuổi thọ và hạn chế các điều kiện bất lợi của thời tiết.
Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh là 745 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Do thời gian thi công Dự án cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh – Nghệ An cần khoảng 4 tháng nên để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân, ACV kiến nghị thời gian đóng cửa sân bay để thi công vào thời điểm sau cao điểm Tết Nguyên đán năm 2025 và kết thúc thi công trước cao điểm hè năm 2025.
Định hướng đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Vinh có công suất thiết kế dự kiến đón được 14 triệu hành khách/năm, đứng sau các Cảng hàng không quốc tế: Nội Bài (100 triệu hành khách/năm), Long Thành (100 triệu hành khách/năm). Tân Sơn Nhật (50 triệu hành khách/năm), Cam Ranh (36 triệu hành khách/năm), Đà Nẵng (30 triệu hành khách/năm), Chu Lai (30 triệu hành khách/năm), Vân Đồn (20 triệu hành khách/năm), Phú Quốc (18 triệu hành khách/năm). Ước tính chi phí đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vinh theo quy hoạch giai đoạn này là 8.905 tỷ đồng.
Cảng Hàng không quốc tế Vinh hiện là cảng hàng không cấp 4E theo quy định ICAO, 6 hãng hàng không đang khai thác 9 đường bay, với tần suất bình quân 26 – 28 chuyến bay/ngày (tương ứng với 52 – 56 lượt cất, hạ cánh/ngày). Lượng hành khách thông qua cảng năm 2022 đạt 2,6 triệu hành khách, đã quá tải so với công suất hiện nay.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị