Đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ
Đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ
Phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ vẫn giữ nguyên công trình điểm nhấn tại mũi Hải Đăng với tháp biểu tượng là công trình 108 tầng và một số khu vực cao tầng tại trung tâm đô thị.
Ngày 9.5 nguồn tin từ Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cho biết, Hội đồng thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000, quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đã có báo cáo tóm tắt thông tin hồ sơ điều chỉnh cục bộ (lần 2) đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Báo cáo thực hiện dựa trên hồ sơ quy hoạch của UBND huyện Cần Giờ (cơ quan tổ chức lập quy hoạch) trình thẩm định phương án điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.
Theo đó, lý do điều chỉnh cục bộ quy hoạch được đưa ra là sau khi đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt, trong quá trình nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã xuất hiện một số điều kiện mang tính khách quan mới, đồng thời đồ án quy hoạch phân khu có một số nội dung chưa phù hợp, cần thiết phải được rà soát, xem xét. Cụ thể:
Có các định hướng mới về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch, du lịch ảnh hưởng đến khu vực:
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 – tầm nhìn 2060 tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 14.9.2021; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22.1.2020; Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20.7.2020;
Bổ sung quy hoạch cảng biển Cần Giờ; Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021; UBND TP.HCM ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch thông minh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025 (Kế hoạch số 4311/KH-UBND ngày 20.12.2021 về triển khai Đề án phát triển du lịch thông minh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025).
Trong tình hình thực tế hiện nay, việc triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt có một số hạn chế:
Xu thế phát triển đô thị trong bối cảnh thế giới hướng tới phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các đô thị cần được nghiên cứu phù hợp hơn.
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ được phê duyệt năm 2018 chưa đáp ứng với xu hướng đô thị biển với không gian đô thị cứng nhắc, quy hoạch hệ thống giao thông ô bàn cờ; chưa phù hợp tiêu chí đô thị sinh thái; chưa linh hoạt về chức năng sử dụng đất; tính kết nối với các khu vực lân cận còn hạn chế.
Để thực hiện định hướng Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ là một đô thị du lịch có tính bản sắc của một đô thị nước, đô thị sinh thái, trở thành động lực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của TP.HCM và bắt kịp xu thế phát triển các đô thị du lịch biển trên thế giới, cần điều chỉnh tổ chức không gian đô thị, lấy yếu tố mặt nước sinh thái làm trung tâm.
Thực tiễn các đô thị biển, đô thị sinh thái trên thế giới luôn khai thác tối ưu không gian cây xanh mặt nước, không gian xanh từ các công viên lớn len lỏi vào đến từng chân tòa nhà, công trình và không gian ở của người dân.
Ngoài ra, phương án quy hoạch phân khu cần tổ chức khu trung tâm đa chức năng gắn kết công trình và biển hồ, tăng tiện ích đô thị với các công trình như nhà hát, trung tâm hội nghị, sân vận động, sân thể thao,… để đa dạng không gian chức năng cho khu đô thị, bổ trợ thu hút du lịch nhằm tăng hiệu quả kinh tế xã hội.
Đặt trong bối cảnh phát triển Thành phố với tầm nhìn dài hạn đến năm 2060 theo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ được duyệt chưa tối ưu về bố trí không gian kiến trúc cảnh quan các khu vực bờ biển, bãi tắm công cộng và các không gian khác trong đô thị như trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, công viên cây xanh, các công trình công cộng phục vụ đơn vị ở.
Bổ sung các chức năng theo QCVN 01:2021 còn thiếu như bãi đỗ xe công cộng, sân tập luyện thể dục thể thao, chợ, bệnh viện, bãi tắm công cộng…; cần điều chỉnh bổ sung giải pháp tiếp cận bằng giao thông công cộng; bố cục lại không gian kiến trúc cảnh quan khu vực công cộng với không gian mở hướng ra biển, biển hồ trung tâm.
Phương án điều chỉnh cục bộ cũng xem xét và đánh giá, chuyển đổi một số khu chức năng đất để bảo vệ và tăng giá trị sử dụng của đất đai, phù hợp với điều kiện hiện trạng phát triển và kinh tế xã hội của địa phương như: chuyển đổi một phần cơ cấu quy hoạch đất du lịch thành đất dân cư phục vụ du lịch cộng đồng; tổ chức hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với đặc trưng địa hình, dân cư, kịch bản phát triển kinh tế.
“Điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho lập các quy hoạch chi tiết và công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng tiếp theo. Góp phần tạo điều kiện để chủ đầu tư có cơ sở nhanh chóng triển khai các phần việc tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả của dự án”, báo cáo cho biết.
Theo đánh giá của báo cáo, chức năng khu vực lập quy hoạch theo phương án điều chỉnh cục bộ (so với quy hoạch được duyệt 2018) có chức năng cơ bản gồm các chức năng theo quy hoạch phân khu được duyệt, cơ cấu thay đổi diện tích giữa các chức năng.
Cụ thể: “Chức năng khu đô thị du lịch biển bao gồm các đơn vị ở (đất các nhóm nhà ở, đất công trình dịch vụ cấp đô thị, cấp đơn vị ở (giáo dục, công cộng, dịch vụ, cây xanh, giao thông,…), các khu chức năng ngoài đơn vị ở (công trình dịch vụ cấp đô thị (trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, trường học, y tế, du lịch nghỉ dưỡng, cây xanh công cộng, giao thông cấp đô thị, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật).
Quy mô của phương án điều chỉnh cục bộ vẫn giữ nguyên như quy hoạch được duyệt 2018, cụ thể: diện tích 2.870 ha; dân số 228.506 người; khách du lịch khoảng 8,887 triệu lượt/năm.
Liên quan đến mặt nước, bãi cát, bãi tắm công cộng
Đồ án quy hoạch phân khu được duyệt 2018 bố trí 6 bãi cát, bãi tắm công cộng phía biển hồ thuộc khu E và một phần bãi tắm phía biển Đông thuộc các khu A, C, D.
Phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch tập trung 6 bãi tắm nhỏ rải rác xung quanh biển hồ và hình thành 2 bãi tắm công cộng lớn tại khu A. Trong đó có 1 bãi tắm lớn gắn với công viên trung tâm khu đô thị mang hình thái không gian của đô thị du lịch biển thuộc khu A với bãi tắm lớn thuộc khu A3, được xác định là không gian biển trung tâm khu đô thị, diễn ra các hoạt động sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, là không gian công cộng chung của khu đô thị gắn với một số công trình đặc biệt như trung tâm hội nghị, khách sạn.
Bãi tắm còn lại thuộc khu A5 gắn với tổ hợp khu du lịch nghỉ dưỡng. Đối với các bãi tắm phía ngoài, đề xuất tăng quy mô chiều dài bãi tắm để thuận lợi cho việc tiếp cận của người dân và du khách tắm biển.
Giảm diện tích mặt nước biển hồ trung tâm của khu E để đưa vào các khu A, B, C, D làm tăng giá trị cảnh quan cho các khu chức năng nhưng không làm giảm tổng diện tích mặt nước toàn khu.
Điều chỉnh đất du lịch, nghỉ dưỡng (thuộc phân khu A, B,C và D)
Theo quy hoạch phân khu được duyệt năm 2018, quỹ đất du lịch có quy mô khoảng 378,83 ha thuộc các tiểu khu A1, A6, A9, B6, B7, C4, C5, C6, D1, D4, D6.
Theo phương án điều chỉnh cục bộ, giảm quy mô đất du lịch để chuyển qua đất dân cư phục vụ du lịch cộng đồng, để phù hợp với nhu cầu và mô hình du lịch trong bối cảnh mới sau đại dịch nhằm đa dạng nguồn cung dịch vụ du lịch, tăng tính khả thi cho đồ án quy hoạch được duyệt và tăng tiện ích công cộng đô thị, góp phần mang đến các công trình có ý nghĩa biểu tượng cho đô thị.
Với hình thái du lịch nghỉ dưỡng dạng căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, các công trình khách sạn tập trung là xu hướng và phát triển trong tương lai tại các thành phố du lịch.
Để phù hợp với thực tiễn quy mô phục vụ khách du lịch lưu trú, điều chỉnh giảm chức năng khách sạn trong các ô đất hỗn hợp, chỉ bố trí chức năng khách sạn trong tòa 108 tầng và tăng sàn phục vụ du lịch đối với các khu du lịch nghỉ dưỡng tăng từ 1 tầng phục vụ trước đây lên 4-8 tầng.
Do đó, diện tích đất du lịch giảm nhưng tổng sàn phục vụ du lịch của đất du lịch tăng, đảm bảo đáp ứng lượng du khách dự báo theo quy hoạch đã được duyệt.
Giải pháp tổ chức thiết kế các công trình cao tầng
Theo đồ án quy hoạch phân khu được duyệt năm 2018: Công trình điểm nhấn là tháp 108 tầng tại mũi Hải Đăng và cụm công trình hỗn hợp cao tầng tại khu A, B.
Phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch giữ nguyên công trình điểm nhấn tại mũi Hải Đăng với tháp biểu tượng là công trình 108 tầng và một số khu vực cao tầng tại trung tâm đô thị. Hình thức kiến trúc vẫn đảm bảo định hướng hiện đại, hình khối đơn giản, thẩm mỹ cao, phù hợp với công năng, vật liệu hiện đại, tiêu hao năng lượng thấp, thân thiện môi trường, màu sắc không quá tương phản để hài hòa và phù hợp với khu vực xung quanh.
Điều chỉnh không gian mặt nước tại các khu du lịch nghỉ dưỡng và đơn vị ở (thuộc phân khu A, B, C và D)
Tại đồ án quy hoạch phân khu được duyệt năm 2018, các đơn vị ở chưa có nhiều không gian mặt nước.
Phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch bổ sung không gian mặt nước trong các nhóm ở thuộc tiểu khu A1, A6, A7, A8, B7, C1, C5, C6, D3, D4, D5, D6, một phần tiểu khu B9; với mục tiêu khai thác cảnh quan, cải thiện vi khí hậu và tăng khả năng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tăng.
Điều chỉnh chức năng trong phạm vi quỹ đất ở và quỹ đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở (thuộc phân khu A, B, C)
Theo phương án quy hoạch phân khu được duyệt năm 2018, nhóm đất nhà hỗn hợp được bố trí tại các khu A, B, C với các chức năng: đất ở, đất thương mại dịch vụ, khách sạn, văn phòng…
Phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu cụ thể hóa các chức năng trong một phần diện tích đất hỗn hợp theo quy hoạch phân khu được duyệt thành các chức năng riêng biệt như: đất nhóm nhà ở, đất thương mại dịch vụ,…
Điều chỉnh vị trí và bổ sung các công trình dịch vụ công cộng đô thị,cây xanh đô thị
Theo đồ án quy hoạch phân khu được duyệt năm 2018: Bệnh viện đa khoa (bố trí 2 bệnh viện tại phân khu A và B); Trạm y tế (không bố trí trạm y tế phục vụ đơn vị ở); Công trình thể dục thể thao đơn vị ở (các công trình thể dục thể thao bố trí tại các đơn vị ở là sân tập luyện. Chưa có các công trình thể thao cấp đô thị);
Công trình công cộng đô thị (thương mại dịch vụ, văn hóa – Công trình công cộng cấp đô thị được bố trí cơ bản tại các phân khu, tuy nhiên chưa có công trình mang tính biểu tượng tại khu trung tâm); Cây xanh đô thị (bố trí cây xanh đô thị theo dạng dải bao quanh các khu và theo chiều dài bãi cát và mặt nước, chưa tạo không gian cây xanh lớn tập trung của đô thị).
Phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch điều chỉnh vị trí bệnh viện đa khoa tại phân khu B vào khu vực trung tâm và chuyển bệnh viện đa khoa tại phân khu A sang phân khu C; điều chỉnh chuyển các trạm y tế ngoài đơn vị ở phục vụ đơn vị ở và bổ sung trạm y tế đến từng đơn vị ở để đảm bảo bán kính phục vụ; điều chỉnh bổ sung sân vận động vào phân khu B, thuộc tiểu khu B1 và 4 sân thể thao cơ bản tại các phân khu A, B, C, D.
Bổ sung công trình văn hoá là nhà hát và trung tâm hội nghị vào phân khu A và các công trình dịch vụ công cộng đô thị như nhà văn hoá, nhà thiếu nhi, trung tâm văn hoá thể thao tại phân khu A, B. Điều chỉnh tăng quỹ đất công cộng thương mại dịch vụ (chợ) nhằm tăng nhiều tiện tích đô thị đáp ứng bán kính phục vụ cho dân cư và khách du lịch tốt hơn.
Điều chỉnh bổ sung khu công viên cây xanh trung tâm tại phân khu A trên tuyến đường vòng trung tâm gắn với bãi tắm công cộng trung tâm và công viên cây xanh gắn với quảng trường biển tại khu D.
Điều chỉnh quỹ đất sân golf (thuộc phân khu A)
Theo đồ án quy hoạch phân khu được duyệt năm 2018, cần cập nhật hạng mục đất sân golf theo nội dung đã phê duyệt tại Quyết định số 5040/QĐ-UBND ngày 26.11.2019 của UBND TP.HCM về việc phê duyệt Điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (bổ sung hạng mục sân golf).
Phương án điều chỉnh cục bộ cập nhật hạng mục đất sân golf, đồng thời tăng diện tích khu sân golf từ 146,68 ha (theo quy hoạch phân khu đã được phê duyệt), sau khi điều chỉnh tăng lên thành 155,21 ha (tăng 8,53 ha).
Điều chỉnh giao thông, hạ tầng kỹ thuật (thuộc phân khu A, B, C, D và E)
Đồ án quy hoạch phân khu được duyệt năm 2018 áp dụng theo QCVN01:2008/BXD, đến nay không phù hợp QCVN 01:2021/BXD.
Mạng lưới đường giao thông của quy hoạch phân khu được duyệt năm 2018 phê duyệt gồm cấp khu vực và phân khu vực dẫn đến các lô đất bị chia nhỏ và tỷ lệ đất giao thông ngoài đơn vị ở cao. Đề xuất điều chỉnh tính toán đến cấp đường khu vực đảm bảo lưới giao thông phù hợp với quy định của quy hoạch phân khu.
Phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch bố trí bổ sung diện tích bãi đỗ xe để đảm bảo QCVN 01:2021/BXD. Nắn chỉnh một số đoạn của tuyến đường vòng trung tâm để đảm bảo khả năng khai thác hợp lý – kết nối thuận tiện, tăng cường kết nối với bãi tắm công cộng.
Điều chỉnh mạng lưới giao thông nội bộ các đơn vị ở, các bến tàu để phù hợp với phương án tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan mới. Điều chỉnh nhu cầu và hệ thống đường dây, đường ống phù hợp với quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh.
Mạng lưới giao thông chính
Theo đồ án quy hoạch phân khu được duyệt năm 2018, cấu trúc đường gồm các trục chính: đường đại lộ Cần Thạnh; đường vòng trung tâm; đường trục chính từ đại lộ Cần Thạnh đến đường vòng trung tâm; đường cầu vượt biển hồ (đại lộ Cần Thạnh đến mũi Hải Đăng); đường cầu vượt biển hồ phía Tây và các trục đường từ đường vòng trung tâm hướng ra biển; tuyến xe điện.
Phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch cơ bản giữ nguyên cấu trúc giao thông chính. Tuyến đường vòng trung tâm chỉ điều chỉnh dao động tại một số khu vực để đảm bảo khả năng khai thác hợp lý, kết nối thuận tiện, giữ nguyên hướng tuyến và quy mô mặt cắt toàn tuyến.
Điều chỉnh mặt cắt, mạng lưới giao thông các đơn vị ở phù hợp với tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan mới. Thay thế tuyến xe điện bằng hệ thống xe bus điện.
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan
Đồ án quy hoạch phân khu được duyệt năm 2018 tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan theo các trục cảnh quan chính, điểm nhấn cao tầng tại mũi Hải Đăng. Bố trí các khu chức năng đô thị xung quanh hạt nhận trung tâm là khu vực biển hồ.
Theo phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch: Giữ nguyên các định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch đã duyệt. Giữ nguyên giải pháp thiết kế chủ đạo vùng biển hồ tại trung tâm đô thị nhưng giảm diện tích biển hồ trung tâm để đưa mặt nước vào sâu trong nội khu ở, khu du lịch.
Ngày 10.4.2023, UBND TP.HCM đã ký Quyết định số 1331/QĐ-UBND thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Theo đó, hội đồng thẩm định có nhiệm vụ, quyền hạn tham gia góp ý, phản biện nội dung quy hoạch và các vấn đề liên quan Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Kết luận của Hội đồng là một trong các cơ sở để cơ quan thẩm định tổng hợp và yêu cầu cơ quan trình thẩm định tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định.
Hội đồng thẩm định làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Hội đồng thẩm định do ông Nguyễn Thanh Nhã (Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM) làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định; ông Nguyễn Toàn Thắng (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) và ông Phan Văn Tuấn (Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM) làm Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định. Ngoài ra, Hội đồng thẩm định còn có 14 ủy viên là lãnh đạo các sở, ngành của TP.HCM và Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị