Đề xuất cơ chế đặc thù cho dự án vành đai 4
Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết dự án vành đai 4 cần nhiều thủ tục với nhiều cơ chế chính sách đặc biệt. Trong đó, kiểm toán dự án đầu tư phải song song tiến độ triển khai xây dựng.
Ngày 5/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Thường trực các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng thủ đô.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết trước đây, trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng thường chưa có sự phối hợp với các địa phương, nên không đảm bảo liên thông các tuyến, không đảm bảo mặt cắt ngang với các tuyến.
Rút kinh nghiệm việc này, Hà Nội đã báo cáo Chính phủ để tập trung đầu tư vành đai 4 theo cơ chế đặc thù phối hợp giữa các địa phương.
Phấn đấu bàn giao mặt bằng năm 2023
Cho rằng vành đai 4 là công trình giao thông lớn có ý nghĩa quan trọng liên vùng, chưa có tiền lệ, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị với lãnh đạo Hà Nội cần có ban chỉ đạo chung của 3 tỉnh, thành phố.
Trong đó, ông Tuấn đề xuất Bí thư Thành ủy Hà Nội là Trưởng ban chỉ đạo và có sự tham dự một số cơ quan Trung ương liên quan để giúp cơ chế điều phối, thống nhất chung.
Bí thư Bắc Ninh cũng lưu ý biến động giá cả nguyên vật liệu, nhân công diễn biến khó lường do ảnh hưởng chung của địa chính trị thế giới. Vì vậy, trong tính toán các gói thầu, ban chỉ đạo chung cần tính toán đảm bảo sự linh hoạt tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư thực hiện.
Trước đó vào ngày 21/7, tuyến vành đai 4 đi qua địa phận Hà Nội được thống nhất chia thành 4 đoạn và lập chỉ giới đường đỏ. Ảnh: UBND Hà Nội. |
Đề xuất thêm, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho rằng cần điều chỉnh lại mốc tiến độ sao cho phù hợp với thực tế hiện nay.
Với Hưng Yên, tư vấn đưa ra phương án tuyến đi vào khu công nghiệp Phố Nối A. Nhưng ông Văn cho biết phương án này sẽ gây thiệt hại rất nặng nề, dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh. Địa phương đề xuất địch chuyển luồng tuyến theo hướng tây, đi qua xã Đình Dù.
Theo ông Văn, công tác giải phóng mặt bằng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc nên tỉnh Hưng Yên đề xuất xem xét điều chỉnh lùi lại tiến độ.
Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị Hà Nội nghiên cứu cắm mốc giải phóng mặt bằng toàn tuyến, sau đó bàn giao cho các địa phương thực hiện tạo sự thuận lợi và đồng bộ trên cả tuyến.
Đề nghị sớm cung cấp hồ sơ dự án
Đại diện cho địa phương trực thuộc Hà Nội có vành đai 4 đi qua, ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư huyện ủy Mê Linh, cho biết ngay sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, huyện đã ban hành ban chỉ đạo dự án.
Địa phương hiện tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất trong phạm vi dự án, trước khi thu hồi đất, có văn bản nghiêm cấm cấp quyền sử dụng đất, tách thửa.
Ông Liêm dẫn số liệu cho biết với chiều dài đoạn tuyến 11,2 km, tổng diện tích giải phóng mặt bằng của huyện dự kiến là 192,86 ha. Trong đó, diện tích đất ở là 8,6 ha, diện tích đất nông nghiệp là 179,52 ha và diện tích đất khác là 4,6 ha.
Đồng thời, tuyến đường đi qua 425 ngôi mộ nên huyện Mê Linh dự kiến có nghĩa trang để đưa về tôn tạo. Bên cạnh đó, để triển khai dự án, địa phương phải thu hồi đất của 3 trường học. Huyện dự kiến xây dựng tái định cư ở 3 xã dành cho 435 hộ dân tương ứng với diện tích 7,83 ha.
Bí thư Huyện ủy Mê Linh cũng kiến nghị thành phố sớm cung cấp hồ sơ dự án để thống kê chính xác, làm công tác quản lý và giải phóng mặt bằng. Đồng thời, ông đề nghị cơ chế chính sách đặc thù, cho phép thu hồi diện tính đất nông nghiệp dưới 50m2.
“Đối với 3 trường học, huyện Mê Linh đề nghị thành phố phân cấp cho huyện để chủ động bố trí nguồn vốn di dời và triển khai dự án thay thế”, theo ông Viện.
Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết công tác giải phóng mặt bằng dự án vành đai 4 phấn đấu hoàn thành trong tháng 12/2023. Ảnh: Kinhtedothi. |
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án vành đai 4 sẽ hoàn thành 70% trong tháng 6/2023 và phấn đấu hoàn thành xong trong tháng 12/2023.
Nếu mặt bằng được bàn giao, khâu xây dựng có thể hoàn thành trong 3 năm. Vì vậy, ông Thanh cho rằng cấp ủy các địa phương cần chú trọng công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, bởi “nếu chậm 1-2 tháng là sẽ chậm tiến độ cả dự án”.
Theo ông Thanh, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 là dự án quan trọng quốc gia, quá trình thực hiện cần triển khai nhiều thủ tục với nhiều cơ chế chính sách đặc biệt.
Do đó, UBND Hà Nội đề nghị Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch và thực hiện kiểm toán dự án đầu tư song song với tiến độ triển khai xây dựng công trình trong phạm vi cả 3 tỉnh, thành phố.
Tuần tới, Hà Nội sẽ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện dự án đường vành đai 4.
Nguồn: Báo xây dựng