Đề xuất chính sách trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị
(Xây dựng) – Ngày 14/7, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị” với sự tham gia của đại diện các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, chính quyền một số thị xã, thành phố thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Trước đó, trong tháng 6, Bộ Xây dựng đã tổ chức hai hội thảo tương tự tại khu vực phía Bắc và tại phía Nam.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Lê Hoàng Trung phát biểu tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo này, Bộ Xây dựng tiếp tục lắng nghe các trao đổi, góp ý, ghi nhận đóng góp của các tỉnh, thành phố nhằm xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Lê Hoàng Trung cho biết: Từ năm 2010 – 2012, chủ trương xây dựng Luật Đô thị đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật.
Từ đó đến nay, quá trình xây dựng Luật vẫn tiếp tục trong bối cảnh có nhiều sự thay đổi trong thực tiễn phát triển đô thị và thực tiễn về ban hành sửa đổi bổ sung một số Luật và văn bản dưới Luật như: Các Luật Đầu tư, Đầu tư công, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Xây dựng…; các Nghị định về quản lý phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị cùng các văn bản có liên quan khác.
Đặc biệt, ngày 24/1/2021 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết 06-NQ/TW nhấn mạnh vai trò của đô thị hóa, sự đóng góp của khu vực đô thị cho phát triển kinh tế, xã hội, vị thế cạnh tranh bên cạnh nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng đã nhận định quá trình đô thị hóa này vẫn còn nhiều hạn chế, như: Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra. Đô thị hóa chưa đồng đều giữa các vùng miền. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường, năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, trong đó có thể thấy mặc dù có nhiều cơ sở pháp lý được ban hành nhưng nhiều bất cập phát triển đô thị chưa được giải quyết ở cấp độ vùng, khu vực, cũng như ở cấp độ luật để đáp ứng với thực tiễn, đặc biệt đối với mục tiêu phát triển đô thị bền vững như ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh…
Nghị quyết 06-NQ/TW đã khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị trong giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, nhấn mạnh xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững là một trọng tâm, tạo nền tảng và tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý phát triển đô thị.
Phó Cục trưởng Lê Hoàng Trung nhấn mạnh: Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị có vai trò rất lớn trong việc thiết lập hành lang pháp lý để thống nhất quy định pháp luật về quản lý phát triển đô thị, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phát triển đô thị theo hướng bền vững; đồng thời khắc phục các tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong phát triển đô thị cả nước nói chung và các vấn đề phát triển vùng, của đô thị nói riêng.
Để có cơ sở thực tiễn tốt nhất phục vụ công tác xây dựng Luật, Bộ Xây dựng đã gửi công văn đến các địa phương về việc rà soát, tổng hợp báo cáo về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị trong quản lý, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng tổ chức các Hội thảo để trực tiếp lắng nghe ý kiến và thúc đẩy trao đổi chuyên môn giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền đô thị tại địa phương cùng xây dựng Luật…
Toàn cảnh Hội thảo. |
Tại Hội thảo này, đại diện Cục Phát triển đô thị đã tóm tắt kết quả nghiên cứu, rà soát xây dựng dự án Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị. Chính quyền đô thị địa phương, các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học đã phân tích, làm rõ việc thi hành, thực hiện các quy định pháp luật có liên quan trong quản lý và phát triển đô thị tại địa phương và đặt trong mối quan hệ Vùng.
Trên cơ sở nhận diện và làm sâu sắc thêm các tồn tại, vướng mắc trong quản lý và phát triển đô thị thời gian qua, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách về quản lý và phát triển đô thị, làm cơ sở định hướng sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong thời gian tới…
Theo Bộ Xây dựng, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết tháng 6/2023, hệ thống đô thị toàn quốc có gần 900 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa đến nay đạt khoảng 42%.
Nguồn: Báo xây dựng