Đề xuất chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới

(Xây dựng) – Tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương đề xuất bổ sung Chương III về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Đề xuất chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới
Luật Điện lực cần được sửa đổi, bổ sung nội dung chính sách phát triển năng lượng tái tạo để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng (ảnh: TL).

Bộ Công Thương cho biết, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới như xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch; ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường…

Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện chất thải rắn, thủy điện nhỏ, trong đó có chính sách giá điện hỗ trợ (Feed in tariff).

Tuy nhiên, chính sách giá FIT là cơ chế khuyến khích của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư. Hiện nay, Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định về năng lượng tái tạo, vì vậy, cần nghiên cứu chuyển dịch từ chính sách hỗ trợ sang chính sách cạnh tranh nhằm tăng cường hiệu quả trong quản lý hệ thống, cạnh tranh về chi phí và đảm bảo cung cấp điện chất lượng, ổn định, bền vững. Việc khuyến khích nguồn điện năng lượng tái tạo nên được thực hiện thông qua khung giá phát điện, linh hoạt để phù hợp định hướng phát triển trong từng thời kỳ.

Vì vậy, Luật Điện lực cần được sửa đổi, bổ sung nội dung chính sách phát triển năng lượng tái tạo để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng.

Chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới

Dự thảo đề xuất các chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Theo đó, đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện; có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo:

Dự án điện năng lượng tái tạo (trừ dự án thủy điện có công suất từ 30 MW trở lên), điện năng lượng mới được hưởng ưu đãi theo pháp luật về đầu tư, đất đai, biển, thuế, phí và tín dụng đầu tư.

Ngoài các quy định nêu trên, dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định.

Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo theo nhu cầu phụ tải và trên cơ sở khai thác, tận dụng điều kiện tự nhiên trong từng vùng, khu vực, trên đất liền, trên biển và hải đảo nhằm khai thác tài nguyên bền vững, hợp lý. Bố trí hợp lý các nguồn điện ở các địa phương trong vùng nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện, đảm bảo tin cậy cung cấp điện tại chỗ, giảm tổn thất kỹ thuật, giảm truyền tải điện đi xa.

Trên cơ sở mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo từng thời kỳ trong Quy hoạch phát triển điện lực, Chính phủ quyết định cụ thể chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.

Dự thảo cũng đề xuất chính sách quản lý, thống kê tiềm năng và đầu tư thí điểm:

Nhà nước cấp ngân sách đầu tư cho nghiên cứu, đánh giá tổng thể về hiện trạng và tiềm năng của điện mặt trời, điện gió, điện địa nhiệt, sóng biển, thủy triều và hải lưu.

Khảo sát tiềm năng và lập bản đồ điện gió trên bờ, điện gió trên biển Việt Nam, phục vụ xây dựng quy hoạch và định hướng phát triển để phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

Thủ tướng Chính phủ quyết định mô hình, dự án ứng dụng và khai thác thử nghiệm sản xuất điện từ địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, hydrogen và amoniac để phục vụ xây dựng cơ chế giá thị trường cho loại hình này.

Ưu tiên phát triển dự án năng lượng tái tạo tại vùng đất khô cằn hoặc khó phát triển nông nghiệp

Về phát triển điện năng lượng tái tạo, dự thảo quy định: Dự án điện năng lượng tái tạo bao gồm nhà máy phát điện, trạm biến áp và đường dây đấu nối.

Khuyến khích việc đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo kết hợp với lưu trữ điện. Dự án năng lượng tái tạo đầu tư mới, mở rộng, cải tạo được phép kết hợp các loại nguồn điện năng lượng tái tạo để tăng sản lượng phát điện nhưng công suất phát điện vào hệ thống điện quốc gia không vượt quá công suất được phê duyệt trong giai đoạn quy hoạch.

Ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại các vùng đất khô cằn hoặc khó phát triển nông nghiệp theo đánh giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Hệ số sử dụng đất của nhà máy điện mặt trời không vượt quá 0,7 ha/01 MW đến năm 2030, 0,5 ha/01 MW sau năm 2030. Hệ số sử dụng đất của nhà máy điện gió trên đất liền không vượt quá 0,35 ha/01 MW.

Dự án điện năng lượng tái tạo sau khi đưa vào khai thác, sử dụng được thay thế các thiết bị có thông số khác với thông số kỹ thuật đang vận hành nhưng phải bảo đảm công suất phát điện vào hệ thống điện quốc gia không vượt quá công suất được ghi trong giấy phép hoạt động điện lực hoặc hợp đồng mua bán điện.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích