Đề xuất cần bổ sung dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước vào Luật Tài nguyên nước

Đề xuất cần bổ sung dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước vào Luật Tài nguyên nước

Luật sư Đồng –  Thứ năm, 22/09/2022 16:56 (GMT+7)

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung quy định dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013 đến nay.

Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật tài nguyên nước không còn phù hợp với yêu cầu của thực tế và với pháp luật có liên quan, cần phải bổ sung như quy định về quy định vật thể chứa nước (dòng sông, tầng chứa nước); quy hoạch tài nguyên nước; cấp giấy phép tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; bảo vệ các dòng sông, tầng chứa nước, quản trị nước thông minh, chuyển đổi số, dự báo nguồn nước phục vụ điều hòa phân bổ tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Ngoài ra, thể chế, chính sách hiện nay chưa được tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Điều này gây chồng chéo trong quản lý, phân định thẩm quyền, trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương trong quản lý nguồn nước, quản lý hoạt động khai thác, quản lý hệ thống cấp nước, xử lý nước thải,…

Một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 có giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất. Thiếu khung pháp lý cho an ninh tài nguyên nước trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức như: phụ thuộc lớn vào nước ngoài; phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp; chưa có chính sách, quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ, định giá giá trị của tài nguyên nước.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Liên quan đến dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất cần bổ sung mới Điều 10 về dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước vào dự thảo luật.

Theo dự thảo, các dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước gồm dịch vụ hành chính công về tài nguyên nước, dịch vụ cung cấp, khai thác thông tin về tài nguyên nước và dịch vụ công khác về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước theo quy định của Chính phủ bảo đảm kết nối, liên thông, thuận tiện, đơn giản, an toàn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Các hình thức xác nhận của nhà nước với quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân sử dụng tài nguyên nước được thực hiện trên hồ sơ số và xác thực điện tử. Các giao dịch về tài nguyên nước trên môi trường điện tử có tính pháp lý và được pháp luật bảo hộ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, tổ chức, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, liên thông theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích