Đề xuất các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp để thi hành án hiệu quả

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, vượt lên khó khăn của đại dịch Covid-19, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp để chỉ đạo Hệ thống THADS cố gắng thực hiện tốt nhất có thể nhiệm vụ được giao trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Trong đó, các cơ quan THADS đã chú trọng việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi tài sản cho ngân sách Nhà nước, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng… Thể chế về THADS tiếp tục được rà soát để kịp thời bổ sung và hoàn thiện; tổ chức bộ máy các cơ quan THADS không ngừng được củng cố, kiện toàn.

Đề xuất các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp để thi hành án hiệu quả
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị.

Đồng thời, kỷ luật, kỷ cương trong toàn Hệ thống ngày càng được tăng cường. Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã thành lập 15 đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất, toàn diện và chuyên đề thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ; xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, bán đấu giá tài sản thi hành án, trình tự, thủ tục thi hành án…

Kết quả, năm 2021, về việc, các cơ quan THADS đã thi hành xong 493.971 việc trong số có điều kiện, đạt tỉ lệ 75,81%. Về tiền, thi hành xong 45.705,148 tỷ đồng trong số có điều kiện, đạt tỉ lệ 31,05%. Về theo dõi thi hành án hành chính, đã thi hành xong 455/944 bản án, quyết định.

Đáng quan tâm, ngay sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, (từ 1/10/2021 đến 5/11/2021) các cơ quan THADS đã thu tiền, xử lý và giao tài sản với giá trị đạt gần 5.000 tỷ, nâng tổng số tiền đã thi hành xong từ đầu năm 2021 đến nay đạt hơn 9.000 tỷ đồng.

Để nâng cao hiệu quả thi hành với án tín dụng, ngân hàng, Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS Đặng Văn Huy cho rằng, cần đôn đốc, kiểm tra và tập trung vào những địa bàn có lượng án lớn, các vụ việc có giá trị trên 20 tỷ đồng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát khâu thẩm định giá, bán đấu giá tài sản…

Nhìn nhận công tác THADS có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cả một quá trình tố tụng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác THADS, cần có sự phối hợp ngày càng tốt hơn giữa hai cơ quan, tăng cường phối hợp rà soát những vướng mắc trong công tác THADS, kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong công tác này.

Đề xuất các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp để thi hành án hiệu quả
Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận, biểu dương kết quả hệ thống THADS đạt được trong năm 2021. Đồng thời, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế như: Một số địa phương kết quả thi hành còn thấp, công tác chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan THADS một số nơi chưa kịp thời, còn dấu hiệu vi phạm về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp…

Trong năm 2022, thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả Covid-19”, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị toàn hệ thống THADS vừa thích ứng an toàn nhưng vẫn phải hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, khắc phục bất cập trong thời gian qua.

Bộ trưởng yêu cầu toàn hệ thống THADS cần kịp thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài, các vụ việc tín dụng, ngân hàng, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Đồng thời, chú trọng công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương, tích cực tham mưu, đề xuất nhằm tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo THADS các cấp và sự phối hợp của các ngành; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của pháp luật về THADS, hành chính, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo Chỉ thị số 04-CT/TW.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích