Đề xuất biểu giá bán lẻ điện 5 bậc: Đối tượng nào sẽ bị ảnh hưởng?
Theo đề xuất biểu giá điện mới, giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: Sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt, trạm/trụ sạc xe điện và cơ sở lưu trú du lịch quy định tại Điều 48 Luật Du lịch năm 2017.
Giá bán lẻ điện theo các cấp điện áp từ dưới 1kV; trung áp từ 1 – 35kV và cao áp trên 35kV trở lên; theo thời gian sử dụng điện trong ngày cho mục đích sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, trạm/trụ sạc xe điện, tại các cấp điện áp được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện; nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt gồm 5 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước được áp dụng khi điều kiện kỹ thuật cho phép đối với nhóm khách hàng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt; và khu vực nối lưới điện quốc gia cho khách hàng sử dụng điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia.
Khoảng 2% hộ gia đình sẽ phải tiền điện cao hơn với đề xuất phương án biểu giá tính điện mới. (Ảnh minh họa) |
Chênh lệch chi phí của đơn vị điện lực do áp dụng giá bán điện thống nhất toàn quốc thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện được tính vào giá điện chung toàn quốc đối với các khu vực do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bán điện; đối với khu vực không do EVN bán điện, chênh lệch chi phí được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo dự thảo Quyết định, hộ nghèo theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 và gia đình chính sách có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt không quá 50 kWh tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Cũng theo lập luận của Bộ Công Thương, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo dự thảo mới nhất đã được cải tiến, rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc, được thiết kế theo nguyên tắc nhằm bảo đảm hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện. Chẳng hạn, giữ nguyên giá cho bậc 1 (0 – 100 kWh) để bảo đảm ổn định giá điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (theo khảo sát của EVN) trước đó là khoảng 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện sẽ được bù đắp từ hộ sử dụng 401 – 700okWh và trên 700kWh điện. Có nghĩa là các bậc từ 401kWh điện trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.
Bộ Công Thương khẳng định, phương án tính giá điện sinh hoạt theo 5 bậc mới chỉ khiến khoảng 2% hộ gia đình (tương đương 558.000 hộ) dùng điện 711 kWh/tháng sẽ phải trả tiền nhiều hơn, số còn lại trả mức tương đương cách tính cũ, thậm chí thấp hơn. Chẳng hạn, nếu hộ gia đình dùng 750kWh/tháng, tính theo 6 bậc phải trả 2,081 triệu đồng, theo 5 bậc mới là 2,099 triệu đồng, cao hơn 18.000 đồng/tháng; sử dụng 800kWh/tháng, tính theo 5 bậc phải trả cao hơn 41.000 đồng; 1.000kWh/tháng tính theo 5 bậc phải trả hóa đơn cao hơn khoảng 134.000 đồng…
Như vậy, biểu giá bán lẻ điện cải tiến 5 bậc sẽ khiến hộ dùng điện càng nhiều, trả tiền điện càng đắt. Phương án này nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Song thực tế, nhu cầu sử dụng điện của người dân qua mỗi năm đều tăng trước áp lực biến đổi khí hậu, thời tiết nóng hơn; sử dụng thiết bị điện đáp ứng nhu cầu cuộc sống hằng ngày tăng…
Vì thế, theo nhận định của các chuyên gia, mong muốn của nhà điều hành đôi khi trái ngược hoàn toàn với nhu cầu thực tế. Quan trọng hơn, sẽ có hộ gia đình 1 người, 4 người, hay 10 người, rồi diện tích, quy mô nhà ở của các hộ cũng khác nhau. Theo đó, mức tiêu thụ điện năng giữa các hộ gia đình sẽ khác nhau rất lớn.
Trong khi đó, với đối tượng là các doanh nghiệp, cách tính mới đưa giá điện kinh doanh cơ sở du lịch ngang bằng giá bán lẻ điện cho sản xuất sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất bị tăng giá mua điện từ 1,27 – 3,85%.
Phân tích về đề xuất biểu giá điện mới, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, chính yếu tố độc quyền trong truyền tải, phân phối điện khiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt áp cho người dân thiếu tính khách quan, nếu không nói là mang tính áp đặt.
Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu: Xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; Nhà nước điều tiết hợp lý, thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp. Chiếu theo đó, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo dự thảo này chưa bảo đảm phù hợp với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
“Cần có thêm doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các khâu truyền tải, phân phối điện… để giảm tính độc quyền. Nên xem xét lại mức tiêu thụ điện tối thiểu, phổ biến ở mức nào, để có mức giá phù hợp; rà soát lại chi phí của ngành tại các khâu đã hợp lý chưa? Năm 2023, trong khi EVN báo lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng, nhưng thu nhập bình quân cho hàng ngàn nhân viên tại các Tổng Công ty phát điện thuộc EVN đạt bình quân trên 30 triệu đồng/tháng… Thứ nữa, đa số hộ dùng trên 400kWh, với mức dùng đó chỉ đạt mức trung bình, nhưng giá điện phải trả tính bằng 162% giá bình quân là quá cao”, ông Vũ Vinh Phú dẫn chứng.
Nguồn: Báo lao động thủ đô