Đề xuất 7 nhóm đối tượng đầu tư công

(Xây dựng) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Đầu tư công, trong đó đề xuất 7 nhóm đối tượng đầu tư công.

Đề xuất 7 nhóm đối tượng đầu tư công
Ảnh minh hoạ.

Theo dự thảo, đối tượng đầu tư công gồm:

1. Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội.

2. Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

3. Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội.

4. Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.

5. Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

6. Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách; cấp vốn điều lệ cho quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư đối với đối tượng này.

7. Bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

HĐND cấp tỉnh quyết định việc bố trí vốn ngân sách địa phương, tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung và hình thức thực hiện và giao UBND cấp tỉnh ủy thác vốn ngân sách địa phương thực hiện chính sách này.

Phân loại dự án đầu tư công

Dự thảo nêu rõ, căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau:

a) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án;

b) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án sử dụng vốn đầu tư công để mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a nêu trên.

c) Trường hợp sử dụng nguồn vốn khác không phải vốn đầu tư công để thực hiện các nội dung nêu trên, việc thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan.

Căn cứ mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công được phân loại như sau:

i) Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định tại các điều 7, 8, 9 và 10 của Luật này.

ii) Dự án có nhiều hạng mục đầu tư thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau thì việc phân loại dự án căn cứ vào tỷ trọng vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng mức đầu tư dự án.

iii) Dự án không thuộc các tiêu chí quy định tại các điều 7, 8, 9, 10 của Luật này được áp dụng tiêu chí phân loại theo tổng mức đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 8, khoản 4 Điều 9 và khoản 4 Điều 10 của Luật này.

Công khai, minh bạch trong đầu tư công

Dự thảo quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc công khai các nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật. Nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công bao gồm: Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công; Nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; Kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công;

Danh mục dự án trên địa bàn, bao gồm quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian, địa điểm; báo cáo đánh giá tác động tổng thể của dự án tới địa bàn đầu tư; Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm, bao gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công bố trí cho từng dự án;

Tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công; Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án; Tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; Kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án; Quyết toán vốn đầu tư công.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích