Đề xuất 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh vừa chủ trì phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Tại cuộc họp thẩm định diễn ra ngày 8/3, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo) nhấn mạnh, TPHCM là đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục – đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung…

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017 là quyết sách kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc cho TPHCM.

Đề xuất 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường nêu ý kiến tại phiên họp thẩm định (Ảnh: An Như).

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao. Các cơ chế, chính sách của nghị quyết chưa được phát huy toàn diện; công tác triển khai một số nội dung thuộc trách nhiệm của TPHCM còn chậm.

Việc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM thay thế Nghị quyết 54 là cần thiết nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội; tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế – xã hội của thành phố…

Đề cương dự thảo nghị quyết được xây dựng theo 7 nhóm chính sách, gồm: Các cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư; cơ chế, chính sách về tài chính ngân sách; cơ chế, chính sách về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; các cơ chế, chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược; các cơ chế, chính sách về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; các cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của TPHCM; các cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Đề xuất 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM
Một góc thành phố Thủ Đức, TPHCM (Ảnh: Trường Thịnh).

Đề nghị làm rõ nhiều vấn đề, đánh giá cụ thể ưu và nhược điểm

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, đại diện Bộ Tài chính đề nghị rà soát quy định ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM và các quy định hiện hành nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường phản ánh, theo Nghị quyết số 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Thủ Đức vẫn thuộc đơn vị hành chính cấp huyện. Do đó, việc đề xuất thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức chưa phù hợp với yêu cầu quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Từ đó, đại diện Bộ này đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức theo quy định hiện hành.

Đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đề nghị làm rõ phạm vi điều chỉnh của nghị quyết; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành sau khi được thông qua. Cơ quan soạn thảo – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải có đánh giá cụ thể, chi tiết tác động, các ưu điểm, nhược điểm của từng giải pháp đặt ra tại Báo cáo đánh giá tác động của chính sách.

Đề xuất 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh kết luận cuộc họp thẩm định (Ảnh: A.N).

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh cao sự nghiêm túc của cơ quan soạn thảo, chuẩn bị hồ sơ cơ bản đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đề ra.

Bà Oanh đề nghị cần nghiên cứu, tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM; làm rõ trong các nhóm chính sách tại dự thảo nghị quyết thì chính sách nào là kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017, chính sách nào đang được dự kiến quy định trong dự thảo luật, chính sách nào là quy định mới.

Đặc biệt phải rà soát tính tương thích các quy định tại dự thảo nghị quyết với các Điều ước quốc tế và đánh giá chi tiết tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan về các mặt kinh tế, xã hội, vấn đề giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật…

Đại diện ban soạn thảo hứa sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trong thời gian tới.

Tăng cường phân cấp, phân quyền hơn cho TPHCM

Như Dân trí thông tin, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TPHCM về Đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 54).

Theo đó, Thường trực Chính phủ cơ bản đồng tình với các đề xuất của TPHCM và các bộ, cơ quan đã góp ý về đề án xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Tuy nhiên, trong việc triển khai xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Thường trực Chính phủ yêu cầu tiếp tục bám sát tư tưởng chỉ đạo; tập trung trọng điểm, ngắn gọn, súc tích, khả thi, hiệu quả và bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị…

Các cơ chế, chính sách cần bảo đảm đúng thẩm quyền của Quốc hội để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của TPHCM mà pháp luật hiện hành chưa quy định hay có quy định mà không phù hợp.

Đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền hơn cho TPHCM, gắn với phân bố nguồn lực, kiểm tra, giám sát quyền lực, nâng cao năng lực thực thi. Có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, các lĩnh vực mới, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số… Thu hút nguồn nhân lực chất lượng thông qua các chế độ, chính sách thỏa đáng, tương xứng, có tính khuyến khích.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích