Đề xuất 3 thành phố Tây, Nam, Bắc thuộc TP.HCM
Đề xuất 3 thành phố Tây, Nam, Bắc thuộc TP.HCM
Báo cáo kỳ 2 điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 nhắc đến mô hình TP đa tâm, trong đó có đề xuất 3 TP Tây, Nam, Bắc.
Báo cáo tại hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về báo cáo kỳ 2 điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 sáng 25-11, liên danh tư vấn đề xuất TP.HCM phát triển theo mô hình TP đa tâm, trong đó đề xuất 3 TP trong TP.HCM.
5 vùng đô thị của TP.HCM
Theo đó, liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity.
TP.HCM tương lai sẽ có năm vùng đô thị là vùng trung tâm, TP Thủ Đức, phía Bắc, phía Nam và phía Tây.
TP.HCM cũng cần tổ chức đô thị thành các lưu vực sống và làm việc trong bán kính 5km. Lưu vực sống nên được tổ chức thành năm vùng, với đề xuất 3 TP mới.
Thứ nhất: Vùng trung tâm là vùng Sài Gòn, vùng Chợ Lớn, khu vực Bình Thạnh, Nam sân bay, Tây sân bay, khu sân bay, Bình Quới – Thanh Đa, Đông Nam quận 12, phía Đông quận Gò Vấp, phía Tây quận Gò Vấp, phía Tây Nam quận 12, vùng phía Tây khu đô thị trung tâm.
Thứ hai là TP Thủ Đức hiện hữu.
Thứ ba (trong đề xuất 3 TP): thành phố Tây Sài Gòn: khu vực Tân Nhựt – Lê Minh Xuân, khu vực nằm giữa QL1 và đường Tân Tạo Chợ Đệm, khu Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc, Bình Lợi – Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Tân Túc, phía Nam đường vành đai 3.
Thứ tư (trong đề xuất 3 TP): thành phố Nam Sài Gòn: Khu vực phía Nam kênh Đôi, phía Đông sông Cần Giuộc đến rạch Ông Lớn, quận 7, phía Tây đường Nguyễn Hữu Thọ, phía Đông đường Nguyễn Hữu Thọ, khu Long Thới, Hiệp Phước, Bình Khánh, khu đô thị gắn với cảng Bình Khánh, khu sinh thái nông nghiệp – du lịch, khu đô thị Cần Thạnh, khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Thứ năm (trong đề xuất 3 TP): thành phố Bắc Sài Gòn: Khu vực phía Tây Nam huyện Hóc Môn, khu vực nằm trong Quốc lộ 1A, 22, đường Lê Văn Khương thuộc quận 12, huyện Hóc Môn, trung tâm Hóc Môn, phía Tây Hóc Môn, trung tâm phát triển mới quận 12 – huyện Hóc Môn, phía Tây đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn), khu đô thị hiện hữu Củ Chi, Tây Nam-Đông Nam Củ Chi, khu sinh thái Củ Chi, công viên sinh thái lâm nghiệp, công nghiệp Củ Chi, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, Đông Bắc Củ Chi.
Tìm điểm mới, giá trị mới
“Tới hội nghị giữa kỳ này chúng ta phải trả lời được điểm mới hay giá trị giá trị mới của điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM lần này là gì. Chúng ta sẽ kiến tạo những không gian mới, động lực mới và từ đây đề xuất những cơ chế, chính sách, cách làm như thế nào để quy hoạch chung thật sự là khả thi” – ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu.
Theo ông Mãi, TP phải khẳng định một cách rất rõ nét vị trí, vai trò của mình ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trong cả nước, cũng như là một đầu mối, một đại diện của Việt Nam trong hội nhập và cạnh tranh khu vực và thế giới.
“Chúng ta phải làm rõ các cơ sở pháp lý, điểm mới, định hướng, nội dung gì mà lần điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM này phải tuân thủ” – bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, Bộ Xây dựng góp ý.
Bà Hằng cho rằng TP chưa nói được thách thức nội tại, thách thức bên ngoài và cả cơ hội (về giao thông, hạ tầng xã hội, kỹ thuật…), như câu chuyện thách thức trong mối quan hệ của vùng như thế nào, hay thách thức về quy mô dân số…
TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn đồng tình với hướng phát triển đô thị đa trung tâm. Trước đây, TP có các kế hoạch phát triển đa trung tâm nhưng không rõ ràng, lần này cần làm rõ về mô hình này.
“Như cung ứng hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho mọi khu đô thị lớn nhỏ thì từ trung tâm TP hay các TP con TP Thủ Đức, TP Tây, Bắc, Nam đều phải có hạ tầng xã hội, kỹ thuật y như nhau” – ông Sơn nói.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi xác định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ báo cáo cuối kỳ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 để trình Ban thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ TP, HĐND TP dự kiến vào cuối tháng 12. Sau đó, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng dự kiến tháng 1-2024.”
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị