Để thương hiệu cà phê xứ lạnh Măng Đen bay cao, vươn xa

1
Quang cảnh hội nghị góp ý dự thảo.

Theo đó, trên thị trường Kon Tum, chất lượng cà phê Arabica xứ lạnh được đánh giá cao hơn cà phê Robusta vì có hương vị thơm ngon. Hiện nay, sản phẩm cây cà phê Arabica trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cà phê xứ lạnh Kon Tum Arabica Coffee”.

Tuy nhiên, việc sản xuất cà phê Arabica còn mang tính quảng canh, manh mún, nhỏ lẻ; người dân không có điều kiện kinh tế để tái canh; thiếu nguồn vốn đầu tư phân bón, thuê nhân công; dẫn đến năng suất thấp, sản lượng, sản phẩm không cao. Một số hộ dân hiện nay có tập quán thu hái cà phê khi quả còn xanh, thu hoạch toàn bộ trong 1 lần; vì vậy, chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo.

Mục tiêu chung của đề án, phát triển mạnh sản xuất cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện theo hướng ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao đi vào chiều sâu, gắn với chế biến và tiêu thụ; chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh để bảo đảm sản xuất và phát triển cà phê Arabica trên địa bàn huyện.

Xây dựng và phát triển sản xuất cà phê Arabica ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường và phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng. Xây dựng và phát triển mạnh thương hiệu cà phê xứ lạnh Măng Đen, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cà phê, nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích góp phần hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp.

2
Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê Arabica tại Măng Đen.

Cụ thể, đến năm 2025, phát triển diện tích trồng cà phê Arabica trên địa bàn huyện đạt 2.000 ha. Nâng cao năng suất trung bình đối với cây cà phê tại các xã, thị trấn ở mức 15-17 tạ nhân/ha. Xây dựng ít nhất là 02 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê Arabica trên địa bàn với hạt nhân là các hợp tác xã (trong đó thành viên các hợp tác xã bao gồm người đồng bào dân tộc thiểu số), doanh nghiệp là trụ cột. Xây dựng ít nhất 03 sản phẩm OCOP đối với sản phẩm cà phê xứ lạnh. Xây dựng được một thương hiệu cho cà phê xứ lạnh (cà phê Arabica) mang bản sắc và đặc trưng riêng của xứ sở Măng Đen.

Định hướng đến năm 2030, phát triển vùng sản xuất cà phê Arabica trên địa bàn huyện đạt 2.200 ha; phấn đấu thu hút đầu tư xây dựng ít nhất 01 nhà máy chế biến các sản phẩm từ cà phê xứ lạnh. Phấn đấu 100% các hộ sản xuất cà phê Arabica trên địa bàn huyện tham gia vào các Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Phấn đấu đạt từ 5-7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên đối với sản phẩm cà phê xứ lạnh…

317325676_1461891448
Thu hoạch cà phê Arabica tại huyện Kon Plông.

Thời gian qua, ông Trần Văn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vị Trí Vàng (đơn vị sở hữu thương hiệu nổi tiếng Café de Măng Đen), là người rất tâm huyết với chiến lược phát triển sản phẩm cà phê xứ lạnh tại địa bàn huyện Kon Plông. Ông cùng các cộng sự đã dày công kiến tạo nên thương hiệu Café de Măng Đen, đặc sản cà phê xứ lạnh đã và đang thu hút được nhiều khách hàng trong nước và ở nước ngoài quan tâm.

4
Café de Măng Đen tổ chức hội thảo, tập huấn cho bà con nông dân trồng, chăm sóc cà phê Arabica.

Theo ông Quỳnh, để tạo sinh kế bền vững cho bà con nông dân, giúp họ sống khỏe và tự làm giàu trên chính mảnh đất của mình, cần thiết phải quy hoạch vùng tập trung sản xuất cà phê hữu cơ tại địa phương, từ đó xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và chuỗi giá trị sản phẩm nhằm chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường sinh thái.

5
Ông Trần Văn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vị Trí Vàng (đơn vị sở hữu thương hiệu nổi tiếng Café de Măng Đen).

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện hữu đối với doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án hiện nay, đó là: thiếu quỹ đất để quy hoạch vùng trồng cà phê hữu cơ và doanh nghiệp không được bố trí diện tích đất để xây dựng nhà kho, sơ chế, chế biến sản phẩm; hiện trạng diện tích trồng manh mún, nhỏ lẻ; tập tục canh tác của bà con dân tộc thiểu số còn lạc hậu, chất lượng đất canh tác ngày càng bị suy thoái, bạc màu…

Nhãn hàng Café de Măng Đen, do chưa có quỹ đất xây dựng nhà xưởng sơ chế tại chỗ, nên hiện nay, sau khi thu mua cà phê Arabica tại Kon Plông, doanh nghiệp phải vận chuyển cà phê về nhà xưởng tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) để sơ chế, dẫn đến phát sinh thêm nhiều chi phí.

“Nếu được sự hỗ trợ quyết liệt từ chính quyền địa phương và sự đồng thuận của bà con nông dân trong quá trình triển khai sản xuất cà phê hữu cơ, doanh nghiệp sẽ luôn tích cực đồng hành cùng bà con trong việc đầu tư và bao tiêu sản phẩm cà phê Arabica tại địa phương”, ông Trần Văn Quỳnh chia sẻ.

Doanh nghiệp của ông Quỳnh cam kết, từ nay đến năm 2030, nếu có đủ quỹ đất, sẽ đầu tư cho bà con trồng mới và phát triển 500 ha cà phê Arabica theo phương pháp hữu cơ. Góp phần đưa thương hiệu cà phê Măng Đen nói chung và Café de Măng Đen nói riêng thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Đồng thời, ông Quỳnh cũng mong muốn chính quyền sớm hỗ trợ làm thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cà phê Măng Đen.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích