Để rừng Nghệ An đạt tiêu chuẩn Danh lục Xanh
Để rừng Nghệ An đạt tiêu chuẩn Danh lục Xanh
Đối với địa phương có diện tích rừng lớn như Nghệ An nói riêng, phát triển kinh tế rừng, chống biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu để xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, việc đáp ứng các tiêu chuẩn Danh lục Xanh đối với các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng.
Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 đã xác định: “Rừng vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, có khả năng tái tạo, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, vừa là yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học…”.
Nghệ An là một trong những tỉnh có vị trí quan trọng ở khu vực Bắc Trung Bộ, có tổng diện tích tự nhiên 1.648.997,2 ha; diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó, có 789.933,97 ha rừng tự nhiên, và phần lớn nằm ở vùng Tây Nam.
Năm 2007, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An là khu DTSQ thế giới, và là khu DTSQ có diện tích lớn nhất trong 11 khu DTSQ thế giới của Việt Nam với 1.299.795 ha, nằm trong địa giới hành chính của 9 huyện miền núi và nằm trong lưu vực đầu nguồn sông Cả. Vùng lõi của khu DTSQ là 3 khu rừng đặc dụng, bao gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Đây là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao với sự phong phú về loài, hệ sinh thái và nguồn gen động, thực vật. Hiện nay, tại Khu DTSQ miền Tây đã ghi nhận hơn 3.600 loài thực vật thuộc 1.184 chi, 205 họ; hàng trăm loại dược liệu quý hiếm. Đối với động vật, ghi nhận 39 bộ, 131 họ, 480 chi, với 942 loài có xương sống và hơn 1.000 loài côn trùng. Trong đó, có 34 loài trong Sách Đỏ Việt Nam 2007; có 20 loài nằm trong danh mục cảnh báo nguy cơ suy thoái và tuyệt chủng theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) 2021 quy định. Ngoài ra, có 56 loài được bảo vệ theo Nghị định số 84 (quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp).
“Với sự đa dạng và phong phú về các loài động – thực vật, diện tích rừng tự nhiên lớn, cùng với nỗ lực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của cả hệ thống chính trị, ở Nghệ An ngoài Vườn Quốc gia Pù Mát thì các Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt đều nằm trong danh sách đủ điều kiện để đề nghị IUCN đánh giá, công nhận Danh lục Xanh”, ông Võ Công Anh Tuấn – Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết.
Danh lục Xanh của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) là một bộ Tiêu chuẩn toàn cầu ghi nhận các khu bảo tồn đã đạt được các kết quả bảo tồn thiên nhiên. Bộ tiêu chuẩn quy định các quy trình xác minh, trao chứng nhận cho những khu vực đáp ứng và duy trì được 17 tiêu chí và 50 chỉ số, được chia thành 4 lĩnh vực, gồm: quản trị tốt, thiết kế và lập kế hoạch tốt, quản lý hiệu quả và kết quả bảo tồn thành công.
Không giống như các danh hiệu khác như Di sản Thế giới và Khu dự trữ Sinh quyển, Danh lục Xanh IUCN hỗ trợ bảo tồn thành công các Khu bảo vệ và Bảo tồn thiên nhiên bằng cách chứng nhận, khuyến khích và nâng cao năng lực để đạt được tác động cụ thể cho cả khía cạnh pháp lý, văn hóa, xã hội, địa lý và sinh thái.
Điều này giúp đưa ra tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả quản lý mang tính định lượng, đồng bộ và bao trùm các khía cạnh của bảo tồn theo khu vực. Một Khu bảo vệ và Bảo tồn thiên nhiên sẽ đạt được chứng nhận Danh lục Xanh của IUCN sau khi đạt được những kết quả bảo tồn liên tục cho con người và thiên nhiên một cách công bằng và hiệu quả.
Các khu vực được chứng nhận danh hiệu Danh lục Xanh thường có lượng khách du lịch tăng, đóng góp cho nền kinh tế địa phương. Đồng thời, giúp đảm bảo hài hòa các hoạt động phát triển bền vững. Việc tham gia Danh lục Xanh IUCN mở ra cánh cửa hợp tác quốc tế, trao đổi kiến thức và tiếp cận nguồn tài trợ cho các dự án bảo tồn thiên nhiên của các quốc gia và địa phương.
Hiện nay, đã có khoảng hơn 20 khu vực trên thế giới được công nhận nằm trong Danh lục xanh. Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong bảo tồn đa dạng sinh học và việc tham gia Danh lục Xanh IUCN thể hiện cam kết đối với sự bền vững môi trường toàn cầu. Việt Nam tham gia vào chương trình Danh lục Xanh IUCN từ năm 2016.
Hiện tại, có 10 Khu bảo vệ và Bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam tham gia chương trình Danh lục Xanh, gồm: Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, VQG Bidoup – Núi Bà, VQG Cát Tiên, VQG Pù Mát và VQG Côn Đảo. Sau quá trình đánh giá tỉ mỉ kéo dài 2 năm, Vân Long là Khu bảo tồn đầu tiên ở Đông Nam Á được chứng nhận Danh lục Xanh năm (2019). Đây là khu bảo tồn đầu tiên của Việt Nam đạt được danh hiệu này. Tháng 12/2023, Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) được công nhận đạt tiêu chuẩn Danh lục Xanh.
Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, hiện nay đơn vị đang trong quá trình thực hiện các tiêu chí của Bộ quy chuẩn Danh lục Xanh. Việc được công nhận Danh lục Xanh sẽ giúp Vườn Quốc gia Pù Mát nói riêng, tài nguyên rừng rừng của Nghệ An nói chung được nâng tầm quốc tế.
Hiện nay, hằng năm cùng với các cơ chế, chính sách của Trung ương, chính quyền các cấp ở Nghệ An cũng đang tiến hành các hoạt động quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học vùng lõi và vùng đệm, vùng chuyển tiếp khu DTSQ miền Tây Nghệ An, đặc biệt là Vườn Quốc gia Pù Mát.
Gần đây nhất, ngày 28/2/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, giai đoạn 2023 – 2027, định hướng đến năm 2030. Trong nhiều mục tiêu được nêu ra, các nội dung về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường được đặc biệt chú trọng. Và đây cũng là những tiêu chí quan trọng để khu bảo tồn, vườn quốc gia được công nhận Danh lục Xanh.
Kế hoạch của UBND tỉnh nêu mục tiêu cụ thể về kinh tế: Chú trọng phát triển bền vững, xây dựng các mô hình kinh tế sinh thái thông qua các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, khai thác và quản lý hiệu quả, bền vững các tài nguyên thiên nhiên, giá trị đặc sắc văn hóa truyền thống cộng đồng. Đặc biệt là phát huy giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh tín chỉ carbon. Phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan, phát triển lâm sản ngoài gỗ và dược liệu dưới tán rừng, gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu phát huy giá trị của tài nguyên sinh vật, của các hệ sinh thái rừng, của các giá trị văn hóa truyền thống, các tri thức bản địa,… nhằm tạo thêm sinh kế, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia, các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, tiến tới nền kinh tế carbon thấp. Trước hết, cần nâng cao hiệu quả Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực hiện Chương trình chi trả theo tín chỉ carbon rừng; bảo tồn, phát triển và khai thác bền vững cây dược liệu; bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị khoa học, kinh tế…
Tại Vườn Quốc gia Pù Mát, theo kế hoạch của UBND tỉnh, đơn vị còn phối hợp với địa phương, các ngành chức năng triển khai các hoạt động giám sát, đánh giá định kỳ về diễn biến môi trường, và các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn. Rà soát, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý sử dụng đất ở và đất sản xuất cho người dân sống ở vùng đệm của vườn quốc gia. Thực hiện chương trình giám sát 2 loài gấu ngựa và gấu chó bằng phương pháp đặt máy bẫy ảnh (giai đoạn 2024-2026), chương trình quan trắc loài sơn dương (2025-2027)…
Quá trình đánh giá của Ủy ban Danh lục Xanh IUCN bao gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn Đăng ký, giai đoạn Ứng viên và giai đoạn Danh lục Xanh. Từng giai đoạn được đánh giá độc lập bởi nhóm chuyên gia đánh giá về Danh lục Xanh (EAGL) và người thẩm định độc lập. Hiện nay, Vườn Quốc gia Pù Mát đang ở giai đoạn Ứng viên. Để được công nhận Danh lục Xanh, ngoài nỗ lực của cán bộ, nhân viên vườn quốc gia, thì còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện cơ chế, chính sách cũng như triển khai các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, phát huy giá trị kho báu tiềm năng trong phát triển kinh tế, chống biến đổi khí hậu./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị