Để quy hoạch là công cụ nền tảng định hướng phát triển đô thị
Để quy hoạch là công cụ nền tảng định hướng phát triển đô thị
Theo dõi MTĐT trên
Để hệ thống các đô thị trên phạm vị cả nước được phát triển đồng bộ, hoàn thiện, đóng vai trò đầu tầu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia, công tác quy hoạch cần được đổi mới toàn diện cả về chất và lượng.
Trong thời gian qua, quy hoạch đô thị luôn đóng vai trò là một trong những cơ sở pháp lý rất quan trọng trong việc hoạch định các kế hoạch định hướng phát triển đô thị và quản lý đô thị.
Tuy nhiên, các số liệu nghiên cứu tổng kết về phát triển đô thị tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 ngày 30/11/2022 vừa qua đã chỉ rõ trong giai đoạn từ 2010 – 2020 vừa qua, bên cạnh một số các kết quả đạt được trong phát triển đô thị quốc gia, vẫn còn một số tồn tại lớn được chỉ ra có nguyên nhân đến từ một số trong công tác quy hoạch đô thị chưa đạt được yêu cầu cả về chất và lượng.
Điều này đặt ra yêu cầu cần sớm có những đổi mới công tác quy hoạch đô thị để quy hoạch là công cụ nền tảng định hướng phát triển đô thị như chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị lần này.
Quy hoạch đô thị trong phát triển đô thị – những kết quả và tồn tại
Lĩnh vực quản lý và phát triển giai đoạn vừa qua đã đạt được một số kết quả đã đạt được đáng ghi nhận. Cụ thể, kể từ giai đoạn 2000 – 2010, khi tốc độ đô thị hóa được đẩy nhanh, quy mô số lượng các khu đô thị của Việt Nam tăng 2,8% hàng năm, với tốc độ gia tăng dân số đô thị đạt tốc độ hơn 3%/năm. Mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 – 1,3 triệu dân. Đến tháng 9/2022 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đã đạt khoảng 41,5%, với 888 đô thị.
Đô thị hóa nhanh đã góp phần chuyển dịch tái phân bố lại dân cư mà còn tạo nhiều chuyển biến tích cực về không gian đô thị, không gian kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh bản sắc kiến trúc – cảnh quan đô thị, gia tăng mức độ tiện nghi, chất lượng môi trường sống đô thị văn minh hiện đại.
Hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được đầu tư nâng cấp, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ. Môi trường lao động việc làm trong đô thị được cải thiện dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Sự phát triển của một số đô thị trung tâm đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội cho toàn vùng và các là khu vực nông thôn lân cận.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các số liệu nghiên cứu, thống kê cũng chỉ ra một số tồn tại của công tác quy hoạch đô thị trong phát triển đô thị thời gian qua bao gồm:
(1) Quy hoạch còn triển khai mang tính dàn trải, manh mún dẫn đến thiếu tồng thể xuyên suốt, dẫn đến còn nhiều độ vênh và xung đột giữa các đồ án đô thị các cấp. Trong một số trường hợp, do điều chỉnh cục bộ nên đồ án quy hoạch cấp dưới thay đổi hoàn toàn, phá vỡ cấu trúc tổng thể đã được hoạch định ở các đồ án quy hoạch đô thị cấp trên. Một số quy hoạch chạy theo lợi ích ngắn hạn, bỏ qua các tầm nhìn dài hạn trong phát triển đô thị.
Biểu hiện rõ nét là quy hoạch đô thị phải điều chỉnh cục bộ rất nhiều, đô thị phát triển lộn xộn, công trình cao tầng được “xen cấy” với mật độ quá cao – thiếu bền vững trong khu vực trung tâm nội đô.
(2) Đồ án quy hoạch đô thị trong nhiều trường hợp chưa thực sự là công cụ pháp lý hữu hiệu để khơi gợi và phát huy giá trị các nguồn lực nội tại cũng như bên ngoài trong phát triển đô thị. Đặc biệt là nguồn lực quan trọng như đất đai, vốn đầu tư công, vốn xã hội hóa, nguồn nhân lực… trong thời gian qua vẫn còn tình trạng được sử dụng thiếu hiệu quả, lãng phí dẫn đến nhiều biểu hiện như số lượng lớn dự án đầu tư xây dựng “treo” – để hoang, dành nhiều vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng kéo dài hoặc sau khi hoàn thành có hiệu quả sử dụng rất thấp.
(3) Vẫn còn tình trạng quy hoạch đô thị trong một số trường hợp chưa sát với thực tiễn, thiếu cơ sở đánh giá hiện trạng và dự báo chính xác, nên chỉ đóng vai trò các bản vẽ định hướng sơ lược, thiếu tính khả thi bài bản, gây tốn kém khó khăn trong tạo dựng bản sắc kiến trúc đô thị, đầu tư xây dựng và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.
Cũng vì những nguyên nhân này đã dẫn đến các tồn tại đang xảy ra tại nhiều đô thị hiện nay như tình trạng tập trung dân số quá đông tại khu vực tủng tâm nội đô, quá tải về hạ tầng giao thông, suy giảm chất lượng môi trường sống, thiếu các tiện ích đô thị đồng bộ phục vụ người dân… mà biểu hiện dễ thấy nhất chính là vấn nạn kẹt xe tại các trục tuyến phố lớn, tình trạng ô nhiễm rác thải tại đô thị, thiếu trường học, bãi đỗ xe, công viên cây xanh – vui chơi giải trí trong đô thị…
(4) Quy hoạch còn mang tính lối mòn, nên vẫn còn được triển khai theo kiểu dập khuôn, phân lô tràn lan, chưa đáp ứng được đúng – trúng các yêu cầu phát triển đô thị thực tế. Đặc biệt trong một số các nội dung quan trọng như tạo dựng bản sắc kiến trúc đô thị, thẩm mỹ kiến trúc – cảnh quan đô thị, phát triển hạ tầng đô thị, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu… vẫn còn thiếu.
Điều này dẫn đến một số các biểu hiện dễ thấy nhất là các đô thị trên khắp các vùng miền thiếu tính nhận diện bản sắc – kiến trúc cảnh quan đô thị nhang nhác giống nhau, hệ thống giao thông đô thị phát triển manh mún – thiếu đồng bộ, hạ tầng đô thị bị quá tải, tình trạng đảo nhiệt đô thị, bị thiên tai – ngập lụt – bão lũ tại các đô thị diễn biến ngày một phức tạp về cả tần xuất và mức độ.
Để quy hoạch là công cụ nền tảng định hướng phát triển đô thị
Ngày 30/11/2022, tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 có chủ đề “Quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu bật các yêu cầu đổi mới công tác quy hoạch để quy hoạch là công cụ nền tảng trong định hướng phát triển đô thị: “Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị; nâng cao năng lực trong các khâu xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.
Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Công tác quy hoạch làm tốt thì mới tiết kiệm được nguồn lực, xác định và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chỉ ra và hóa giải những khó khăn, thách thức của địa phương, của vùng”.
Các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như trên cũng có thể xem là các yêu cầu định hướng và nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới toàn diện công tác quy hoạch đô thị trong thời gian tới.
(1) Để khắc phục tình trạng “khoảng trống quy hoạch” tại một số đô thị, cần tiếp tục đẩy mạnh về số lượng đồ án quy hoạch các cấp đặc biệt là các đồ án quy hoạch vùng hiện nay đang còn nhiều vướng mắc, chậm triển khai trên phạm vi nhiều tỉnh/ thành phố.
(2) Để khắc phục triệt để tình trạng số liệu đầu vào cho đồ án quy hoạch đô thị còn có sai số lớn, cần đẩy mạnh gia tăng về chất lượng các đồ án quy hoạch bắt đầu từ đổi mới toàn diện phương pháp tiếp cận và thu thập hệ thống dữ liệu cơ sở nền tảng phục vụ cho công tác quy hoạch bao gồm: hiện trạng địa hình, sử dụng đất đai, phân bố và mật độ dân cư…
Hệ thống dữ liệu hiện trạng phục vụ quy hoạch đô thị cần được ghi nhận đầy đủ và cập nhật liên tục trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ số đang ngày càng trở nên rât phổ biến hiện nay. Với các số liệu chính xác và mô hình thể hiện theo dạng đồ thị số hóa 3D theo quy mô diện tích sẽ góp phần mang đến tính xác thực về hiện trạng cho các đồ án quy hoạch đô thị hiện nay.
(3) Đổi mới toàn diện phương pháp dự báo để có được các cơ sở dữ liệu quan trọng chính xác trong quy quy hoạch đô thị, đặc biệt là các dự báo về quy mô phát triển dân số, tốc độ đô thị hóa, gia tăng nhu cầu sử dụng đất, tốc độ chuyển dịch và phát triển kinh tế đô thị, nhu cầu về phát triển hạ tầng, kịch bản tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu…
Bằng việc sử dụng các mô hình đồ thị số hóa trực quan sẽ giúp xây dựng các kịch bản dự báo cụ thể để quy hoạch có tầm nhìn và định hướng dù dài hạn hay ngắn hạn đều luôn sát với yêu cầu và tiến trình phát triển đô thị trong tương lai.
(4) Đổi mới về phương pháp tiếp cận quy hoạch đô thị trong đó phải quán triệt để các đồ án quy hoạch không còn là bản vẽ tổ chức không gian vật thể theo nguyên tắc thông thường chung mà phải trở thành công cụ để hiện thực hóa các định hướng chủ trương phát triển kinh tế xã hội chung của Đảng và Nhà nước, đồng thời sử dụng tiết kiệm/ có hiệu quả các nguồn lực như nguồn lực về đất đai, về con người, về vốn đầu tư.
Dựa trên các đặc thù riêng của từng đô thị, quy hoạch là công cụ trực tiếp phân bố, định hình lại các nguồn lực trên để chúng có thể phát huy được các hiệu quả cao nhất theo từng giai đoạn hoạch định cụ thể.
(5) Đổi mới để tiếp tục hoàn thiện quy trình về quy hoạch tích hợp trong đó quy hoạch đô thị trở thành công cụ để phát triển đô thị đồng thời đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội, tạo dựng bản sắc kiến trúc cảnh quan, phát triển đồng bộ/ bền vững, đảm bảo tốt chất lượng sống và môi trường đô thị, thích ứng và ứng phó có hiệu quả với thiên tại biến đổi khí hậu.
Với các quy định quan trọng chỉ tiêu quan trọng như quy mô dân số, mật độ xây dựng, tầng cao trung bình, hệ số sử dụng đất… hệ thống các đồ án quy hoạch đô thị phải đảm bảo xây dựng được một tầm nhìn đầy đủ ở cả quy mô tổng thể và chi tiết, với mức độ hiệu quả và chặt chẽ tối đa để làm cơ sở pháp lý hữu hiệu cho công tác triển khai quản lý đô thị sau quy hoạch tiếp theo.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong quy hoạch phát triển đô thị như GIS, mã QR Code…
(6) Đẩy mạnh việc quy hoạch đô thị theo các xu hướng và trào lưu phát triển đô thị tiến bộ trên thế giới như: đô thị sống tốt, đô thị nén, đô thị xanh, đô thị thông minh… điều này không chỉ dừng ở việc copy các nội dung hình thức theo thế giới mà phải được chuyển hóa theo các điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, có các điều chỉnh phù hợp để các nội dung này trở thành động lực nội tại góp phần tạo dựng bản sắc kiến trúc cảnh quan, nâng cao chất lượng sống cũng như hiệu quả cho quá trình quản lý – triển khai sau quy hoạch của đô thị.
(7) Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng/ đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý đô thị theo cơ sở pháp lý là đồ án quy hoạch đô thị. Trước tiên bắt đầu từ việc xây dựng đồng bộ quy chế quản lý kiến trúc và thiết kế đô thị theo đồ án quy hoạch trong phát triển đô thị trên cơ sở quản lý chặt chẽ các tiêu chí và chỉ tiêu then chốt đã được quy hoạch trong các đồ án quy hoạch đô thị cấp trên.
Đồng thời, tăng cường công khai minh bạch trong quy hoạch và quản lý đô thị với vai trò giám sát/ kiểm tra có đầy đủ hiệu lực của các cơ quan nhà nước, hội đồng nhân dân và đặc biệt là cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh việc thông tin về quy hoạch đô thị trên các nền tảng số (trang websie mở, thư viện quy hoạch mở…) vừa giúp giảm thiểu các thủ tục hành chính trong quản và cấp phép quy hoạch, vừa phát huy tối đa khả năng tiếp cận và giám sát của người dân và cộng đồng.
Xây dựng cơ chế giám sát bao gồm quản lý phát triển đô thị và triển khai đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đô thị (bao gồm cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) theo đúng tiến độ trong quy hoạch đô thị đã đề ra, các trường hợp chậm tiến độ hoặc cố ý làm sai đều cần được nhanh chóng phát hiện và xử lý. Mặt khác, hạn chế trường hợp được điều chỉnh cục bộ một cách tùy tiện, làm phá vỡ cấu trúc quy hoạch đã được duyệt, đồng thời vẫn có thể khắc phục được một cách hữu hiệu các nhược điểm mà đồ án quy hoạch vẫn còn khiếm khuyết.
KẾT LUẬN
Với quy mô lên tới 888 đô thị lớn nhỏ, hệ thống đô thị trên khắp cả nước hiện nay đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Để hệ thống các đô thị trên phạm vị cả nước được phát triển đồng bộ, hoàn thiện, đóng vai trò đầu tầu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia, công tác quy hoạch cần được đổi mới toàn diện cả về chất và lượng. Cụ thể trong đó, một mặt cần thay đổi phương pháp triển khai lập quy hoạch, còn là sự thay đổi về việc quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và cơ chế giám sát triển khai thực hiện quy hoạch.
THS.KTS Phạm Hoàng Phương
Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/01/2022 về Quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Trần Thị Lan Anh, (2022), Phát triển đô thị Việt Nam – những vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới, https://moc.gov.vn.
3. Phạm Hoàng Phương, chuyên đề chương 3, Đề tài NCKH trọng điểm cấp bộ Nghiên cứu định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia, 2022.
4. Phạm Hoàng Phương, (2022), Quản lý kiểm soát phát triển bền vững công trình cao tầng chức năng hỗn hợp trong khu vực trung tâm nội đô các đô thị Việt Nam, Hội nghị khoa học quốc tế Phát triển bền vững các vùng lãnh thổ, CHLB Nga.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị