Để phát triển hạ tầng xanh
(Xây dựng) – Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang tạo nhiều thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như bảo đảm chất lượng, môi trường sống của người dân đô thị.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Thực tế cho thấy, mặc dù mỗi năm được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho hạ tầng đô thị, nhưng tình trạng tắc đường, úng ngập của các đô thị lớn ở Việt Nam dường như không mấy được cải thiện, có nơi còn trầm trọng hơn khi mùa mưa bão đến.
Hơn 13 năm trước, khi quy hoạch Hà Nội mở rộng chưa được phê duyệt, một KTS đã nói với tôi rằng, nếu không có tầm nhìn dài hạn, chỉ trong vòng mười, mười lăm năm tới, Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải cục bộ, tắc đường, ngập lụt tại nhiều khu vực.
Nhưng không phải đợi lâu, chỉ sau một thời gian ngắn, Hà Nội đã bộn bề trong mối lo tắc đường, úng ngập mỗi khi mùa mưa đến. Đặc biệt, tình trạng này rõ nét với các trục đường xuyên tâm.
Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng này đó là quy hoạch hạ tầng đô thị không đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Ngay như lĩnh vực giao thông, dù Hà Nội có đồ án Quy hoạch chung xây dựng từ tháng 4/2011 nhưng phải đến tháng 3/2016 mới phê duyệt Quy hoạch GTVT. Ngay từ khâu làm quy hoạch đã bất cập như vậy nên đương nhiên quá trình phát triển đô thị của Hà Nội sinh ra nhiều hệ lụy.
Không chỉ với Hà Nội, đô thị lớn nhất nước là TP.HCM thậm trí còn trầm trọng hơn. Riêng cho giao thông, toàn thành phố trong cả giai đoạn từ 2015 – 2020 vốn chỉ hơn 50.000 nghìn tỷ, trong đó ngân sách dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm đến 50%. Việc này thể hiện sự thiếu đồng bộ, dẫn đến quy hoạch giao thông của TP.HCM hiện nay chậm hơn so với các khu vực khác. Hạ tầng giao thông yếu, chậm phát triển cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy khác, đặc biệt tình trạng úng ngập mỗi khi triều lên.
Do quy hoạch chắp vá, tầm nhìn ngắn hạn với mong muốn khai thác nhanh, hàng ngàn dự án bao quanh các thành phố cũng đã được chuyển đổi mục đích cho hàng trăm công ty kinh doanh đất trên giấy với hạ tầng chắp vá, tạm bợ. Thế là, san lấp, làm mặt bằng. Bức tranh “nhà nhà làm quy hoạch” lộ rõ khiến đô thị lem nhem. Trong cơn quay cuồng đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị bị “bỏ quên”, nhiều nơi trở thàng “điểm đen” úng ngập mỗi khi triều lên, mưa xuống.
Phát triển không đồng bộ, quá chú tâm khai thác giá trị từ đất bằng các dự án, nhiều nơi, người ta đã bỏ qua những “mảng xanh” của đô thị. Vì thế, cho đến nay, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam mới ở mức từ 2 – 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp quốc là 10 m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 – 25 m2. Đã vậy, sự phân bổ lại không đều.
Trên toàn lãnh thổ thành phố mở rộng (của Hà Nội) có khoảng 60 công viên. Nếu tính bình quân diện tích công viên trên người ở bốn quận trung tâm là 1,5 m² thì khu vực ngoại thành chỉ ở mức 0,05 m²/người. Sự phân bố không đều không gian công viên này khiến cho một nửa số người dân đô thị Hà Nội, nhất là thanh thiếu niên và người già, không thể đến công viên bằng cách đi bộ, nên không thể sử dụng chúng một cách dễ dàng và thường xuyên.
Nhiều đô thị sự manh mún càng thể hiện rõ khi phát triển lan nhanh theo chiều rộng, chắp vá trong quy hoạch, đã khiến mặt tiền nhiều thành phố bị băm nát bởi tình trạng chia lô, nhà ống dày đặc. Từ đô thị lớn, nhân bản tới các đô thị nhỏ khiến giờ đây tìm đất xây trường học, bệnh viện, công viên,… trở nên nan giải. Hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách – nguồn lực của quốc gia – cứ dồn mãi cho giải phóng mặt bằng, chống ngập, mở đường, chống ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, vòng luẩn quẩn chưa thể dứt khi mà tầm nhìn cũng quẩn quanh với những lợi ích trước mắt.
Nguồn: Báo xây dựng