Để nông dân được thụ hưởng xứng đáng trong chuỗi giá trị

Đất nước phát triển, xã hội ổn định, đời sống của các tầng lớp nhân dân và nông dân ngày được nâng cao so với trước đây. Để đất nước trở thành quốc gia hùng cường, bên cạnh đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, chúng ta cũng cần phải xem lại chính sách tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) cho đúng với vai trò, vị trí trong lịch sử, lẫn hiện tại và tương lai.

Người nông dân Việt Nam cần cù chịu khó một nắng hai sương trên mảnh ruộng của mình song, họ bị phụ thuộc cả đầu vào lẫn đầu ra khi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Về sản xuất, đầu vào hầu hết họ phải phụ thuộc vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, con giống của vật nuôi và cây trồng. Khi sản phẩm được thu hoạch, họ lại phụ thuộc vào nhân công bên ngoài, phụ thuộc vào việc thu mua của các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm. Mặt khác, nông dân còn phải thường xuyên chịu đựng thiên tai, dịch bệnh xảy ra làm cho mùa màng bị thất bát…

Để nông dân được thụ hưởng xứng đáng trong chuỗi giá trị
Nông dân Việt Nam yếu thế cần chia sẻ, giúp đỡ và bênh vực

Về đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp, đa số đều phụ thuộc và những thương lái trung gian, trong số đó có những nhóm lợi dụng những khó khăn về mùa vụ, về kho dự trữ sản phẩm, về thiếu thông tin thị trường giá cả…để bắt chẹt, ép cấp, ép giá đưa nông dân vào thế bí, buộc người dân phải bán sản phẩm cho họ. Nếu cá thể nông dân, hay kể cả hợp tác xã nông nghiệp đem đi tiêu thụ trực tiếp ở hệ thống bán lẻ, nhất là các siêu thị lớn có thế mạnh về đàm phán, không có thiện chí với những người vất vả làm ra sản phẩm thiết yếu cho xã hội. Họ luôn luôn bị yếu thế trong thương thảo hợp đồng ký gửi đại lý.

Dư luận, một số chuyên gia và nhà quản lý đã lên tiếng nhiều năm về việc ép chiết khấu cao vô lý, công các chi phí khác khi đưa hàng vào những siêu thị. Người nông dân vào siêu thị chủ yếu muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, chứ thực tế rất nhiều trường hợp là hòa vốn hoặc không có lãi. Nan giải đến mức có những hợp tác xã nông nghiệp, nông dân cá thể phải rút hàng ra khỏi siêu thị và lập chuỗi bán lẻ riêng của mình.

Vậy những nhân nào khiến nông dân bị bất lợi khi đàm phán, trước hết là do việc giao dịch, mua bán, ký gửi hàng hóa ở thị trường Việt Nam vì không có những sàn giao dịch (ảo và thực), nên sản phẩm giao dịch chủ yếu diễn ra tay đôi giữa nông dân và nhà bán lẻ lớn, làm ăn chưa được tử tế lắm, chắc chắn sẽ đem lại bất lợi, thua thiệt cho người nông dân và các hợp tác xã.

Thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam chưa có một thị trường cạnh tranh thực sự, bởi trong vài chục đơn vị bán lẻ hiện đại kể cả của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt, thì chỉ có một số nhà bán lẻ có quy mô doanh số lớn, có thế mạnh về đàm phán với nông dân và các nhà cung ứng cho họ; chính vì vậy đã có những hiện tượng có lúc, có nơi có mặt hàng, nhưng nhà bán lẻ ấy có hiện tượng thao túng trong quan hệ giao dịch mua bán ký gửi hàng hóa. Người nông dân và hợp tác xã chủ yếu ký kết hợp đồng theo văn bản mà siêu thị đó soạn thảo, ít khi được điều chỉnh lại. Chính vì vậy người gửi hàng hay bị thua thiệt. Như tình hình hiện nay chỉ có 1 quả xoài trong 10 quả xoài sạch vào được vào siêu thị, số xoài còn lại phải bán trôi nổi ngoài thị trường với giá xoài không sạch, một sự thua thiệt về giá trị hàng hóa mà người bỏ bao công sức làm ra và điều đó họ ko bao giờ mong muốn cả.

Về vấn đề quản lý nhà nước đối với thương mại bán lẻ hiện nay cho ta thấy: Mặc dù các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên công bằng mà nói rất ít có tiếng nói đồng cảm, chia sẻ và bênh vực người nông dân đang bị yếu thế trên thị trường. Ngoài ra, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề sản xuất và bán lẻ, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, cục quản lý cạnh tranh dù mục sở thị thấy rõ những bất hợp lý, thua thiệt, bị ép của nông dân các hợp tác xã song, rất ít khi lên tiếng, hoặc hứa mà ko thực hiện, mặc dù đó là bảo vệ lẽ phải trên đời.

Trước những vấn đề trên, một số các đồng chí lãnh đạo đã phải lên tiếng, trong đó hơn một năm trước, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói tại hội nghị bàn về giải pháp bình ổn giá thịt lợn tháng 3/2020″ “Phải làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích của các khâu sản xuất, chăn nuôi, chế biến, phân phối lưu thông và tiêu dùng” và “Nếu phát hiện thao túng giá, trục lợi đầu cơ phải xử lý theo pháp luật, hay chúng ta động viên doanh nghiệp nhưng phải phân bố lợi nhuận hợp lý”.

Còn gần đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày 8/8/2021 là “Lợi ích phải hài hòa, rủi ro phải chia sẻ”. Từ những chỉ đạo đó, trước hết người nông dân Việt Nam phải tự hoàn thiện mình trong quá trình trồng trọt chăn nuôi tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường để dễ dàng tiếp cận hơn với hệ thống bán lẻ hiện đại.

Người nông dân cần tham gia vào các tổ chức hợp tác xã, làm cổ đông cho các doanh nghiệp, nông nghiệp…từng bước tạo vị thế bình đẳng khi giao dịch. Nhà nước cần có những chính sách để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, chế biến, dự trữ các sản phẩm doanh nghiệp, giải quyết đầu ra một cách vững chắc cho người nông dân và các hợp tác xã. Cần thiết nêu ra những nguyên tắc quy định, làm cơ sở hỗ trợ đắc lực người nông dân khi đàm phán, tiếp cận với hệ thống bán lẻ, đảm bảo hài hòa các lợi ích như chỉ đạo của Chính phủ. Khuyến khích những doanh nghiệp chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân một cách minh bạch, bình đẳng đồng thời phê bình và có thể xử lý nếu doanh nghiệp nào chỉ vì lợi ích của mình làm thiệt hại lớn đến tiền bạc, công sức của người nông dân. Các chính quyền địa phương, các hiệp hội liên quan cần bảo vệ cái đúng, phê phán những tổ chức các nhân thu lợi nhuận quá đáng trên công sức của người lao động nông nghiệp.

Đấy là những kiến nghị với Nhà nước và đề xuất giải pháp với Bộ, ngành liên quan nhằm từng bước giảm bớt những khó khăn cho người nông dân đã và đang bị yếu thế trên thị trường nhiều năm nay mà chưa được khắc phục một cách cơ bản. Nếu làm được điều này sẽ nâng vị thế của giai cấp nông dân xứng tầm với vai trò của họ trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước hiện tại lẫn tương lai.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích