Để nhiều doanh nghiệp mới được thành lập

Để nhiều doanh nghiệp mới được thành lập
Toàn cảnh Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong đó có một số mục tiêu đáng chú ý.

Thứ nhất, phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000 – 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn…Đồng thời, nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%. Phấn đấu tối thiểu 05 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.

Thứ hai, tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 – 7%/năm, tốc độ tăng NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm và 05 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng NSLĐ trung bình cả nước; nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhómASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Thứ ba, phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 35.000 hợp tác xã, trong đó có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Như chúng ta đã biết, doanh nghiệp (thuộc mọi thành phần và hệ thống hợp tác xã) là chủ thể của nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp có lớn mạnh thì mới tạo ra công ăn việc làm, đóng thuế cho Nhà nước góp phần trực tiếp cho quốc gia hưng thịnh. Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng NSLĐ cũng là yếu tố mang tính sống còn.

Chính vì thế, việc Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 có đề cập đến mục tiêu phát triển 1, 5 triệu doanh nghiệp, 35.000 hợp tác xã và tăng NSLĐ lên 6,5% là cụ thể hóa chiến lược phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tuy nhiên, để biến mục tiêu thành hiện thực, đặc biệt góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp “khỏe lên”, bên cạnh đổi mới thể chế để tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp có điều kiện ra đời, điều quan trọng phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, chống bằng được hệ thống “rừng” văn bản; chống bằng được tệ quan liêu, tham nhũng, phải tạo ra cơ chế chính quyền, các cơ quan công quyền phải thực sự là bạn đồng hành của doanh nghiệp, phải xem doanh nghiệp là đối tác, là chủ thể của nền kinh tế.

Doanh nghiệp có lớn mạnh, đất nước mới thịnh cường. Cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế “cộng hưởng” trên tinh thần Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm (đào tạo) để nâng cao NSLĐ. Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước có NSLĐ thấp trong khu vực, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, cải thiện, nâng cao NSLĐ cũng góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hy vọng với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không chỉ tạo động lực mà còn góp phần để Chính phủ có cơ sở nâng cao công tác điều hành, quản trị quốc gia…

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích