Để người lao động yêu quý doanh nghiệp
Ảnh minh họa. |
Tết đang đến gần, quanh ấm trà nóng, bàn về câu chuyện thưởng Tết, một cán bộ Công đoàn thuộc lĩnh vực ngân hàng bộc bạch: Thực ra thưởng Tết rất quan trọng, nhưng chỉ là câu chuyện ngắn hạn, điều quan trọng hơn trong quá trình “nghiệm thu” các dự án cho vay và theo dõi các dự án sử dụng vốn vay, tôi nhận thấy có rất nhiều công nhân lao động trung thành với doanh nghiệp. Nói một cách ngắn gọn, doanh nghiệp giữ chân người lao động tốt, khiến người lao động không bao giờ muốn “nhảy việc” đầu quân cho nơi khác.
Đồng quan điểm này, một doanh nghiệp dẫn chứng câu chuyện của một công ty dệt may ở Hưng Yên, đơn vị vừa thành lập cơ sở Đảng tại doanh nghiệp cho hay: Ngoài áp dụng đúng quy định về lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội cho người lao động, thì hiếm đơn vị nào lãnh đạo doanh nghiệp khuyến khích người lao động “tích cực nghỉ” để đi chơi, sum họp gia đình.
Cụ thể, ngoài tổng giờ làm việc theo đúng quy định của pháp luật, mỗi tháng lãnh đạo doanh nghiệp khuyến khích người lao động nghỉ 2 ngày để tái tạo sức lao động. Với mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng/người/tháng, lại được lãnh đạo doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần, nên trong bối cảnh “hậu Covid-19”, không ít doanh nghiệp “khát” lao động, thậm chí phải trưng cả pa-nô tuyển lao động, thì tại doanh nghiệp này người lao động vẫn làm việc bình thường. Thậm chí, hầu như không ai muốn chuyển chỗ làm việc.
Từ câu chuyện kể trên, lại nhớ đến việc lãnh đạo cơ quan tôi hay nói tại các cuộc họp: “Điều quan trọng nhất là phải tạo môi trường làm việc có văn hóa để mọi người xem cơ quan như ngôi nhà thứ hai của mình, để mỗi ngày đến cơ quan là một ngày vui”. Ngẫm lại những điều này mới thấy “sức mạnh vô hình” của đời sống tinh thần quan trọng như thế nào.
Với cộng đồng doanh nghiệp, xét cho cùng yếu tố lợi nhuận là quan trọng nhất. Tuy nhiên, ngoài các yếu tố về cơ chế, chính sách, nắm bắt cơ hội của thị trường, tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp thì đội ngũ người lao động (trong đó có yếu tố ổn định nhân sự) mang tính quyết định. Nếu doanh nghiệp nào có bộ máy tham mưu tốt, người lao động hăng say làm việc thì chắc chắn năng suất lao động sẽ cao, giá trị sản xuất – kinh doanh sẽ lớn. Muốn được vậy, người sử dụng lao động phải thực sự quan tâm đến đời sống vật chất – tinh thần cho người lao động. Một khi đời sống vật chất, tinh thần được đảm bảo, có thể ở một đơn vị khác có thu nhập cao hơn đôi chút, người lao động vẫn mong muốn ở lại “ngôi nhà thứ hai” của mình để làm việc, cống hiến…
Tất nhiên, xét trên góc độ lý thuyết kinh doanh, cũng có người nói rằng, yếu tố “trung thành” chưa hẳn đã hay với doanh nghiệp. Vì bản chất của doanh nghiệp là lợi nhuận, muốn có lợi nhuận cao, riêng khâu vị trí việc làm phải có sự đào thải, thanh lọc để tìm ra những nhân tố mới, làn gió mới để góp phần nâng cao giá trị sản xuất – kinh doanh lên cao hơn. Lý thuyết là vậy, song không hẳn áp dụng ở doanh nghiệp, lĩnh vực nào cũng đúng.
Vì nói gì đi chăng nữa, hiệu quả lao động là kết quả phản ánh cuối cùng. Chắc chắn những người lao động lâu năm, gắn bó với công ty trong thời gian dài, có kinh nghiệm, năng suất lao động sẽ cao hơn những người mới. Điều quan trọng, trong quá trình làm việc, chủ sử dụng lao động có dành quỹ thời gian, tài chính để bồi dưỡng nghiệp vụ, nạp thêm kiến thức để cho họ nâng cao tay nghề lên hay không mà thôi.
Xét cho cùng, cấu trúc doanh nghiệp cũng như cấu trúc thể chế, ổn định là yếu tố quan trọng nhất. Và một khi, doanh nghiệp thực sự quan tâm đến đời sống, vật chất tinh thần cho người lao động, xem họ là trung tâm thì người lao động cũng xem doanh nghiệp như ngôi nhà thứ hai. Dù có biến động thế nào đi chăng nữa, họ cũng sẽ đồng cam, cộng khổ, trung thành với doanh nghiệp để cùng nhau tiến lên.
Nguồn: Báo lao động thủ đô