Đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự với 3 nhóm chính sách

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật TTTP năm 2007 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác giữa Việt Nam với nước ngoài về TTTP trong 4 lĩnh vực: Dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

Hoạt động TTTP thời gian qua có nhiều chuyển biến, góp phần rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho quá trình xét xử các vụ việc có yếu tố nước ngoài và đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy vậy, sau hơn 15 năm thực hiện, để đáp ứng những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và chuyển đổi số cũng như thực tiễn phát triển của hoạt động TTTP, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng Luật TTTP nói chung và các quy định của Luật về TTTP trong lĩnh vực hình sự nói riêng cần được hoàn thiện một cách chuyên sâu và toàn diện, nên việc xây dựng Luật TTTP về hình sự là cần thiết.

Theo Tờ trình, Luật TTTP về hình sự quy định nguyên tắc, thẩm quyền, phạm vi, trình tự, thủ tục thực hiện TTTP về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài; xử lý kết quả TTTP về hình sự hay TTTP về hình sự không nhận được kết quả (đối với yêu cầu tương trợ đi) trong quá trình giải quyết vụ án hình sự trong nước; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động TTTP về hình sự.

Đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự với 3 nhóm chính sách
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, TTTP trong lĩnh vực hình sự cần được hoàn thiện một cách chuyên sâu và toàn diện. Ảnh minh họa: Theo VGP

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Luật TTTP năm 2007 đã có quy định về phạm vi TTTP hình sự. Tuy nhiên, chưa có các quy định về cho phép người tiến hành tố tụng của nước yêu cầu được có mặt trong quá trình thực hiện TTTP tại nước được yêu cầu; tổ chức cho người tại nước được yêu cầu đến nước yêu cầu để hỗ trợ điều tra hoặc cung cấp chứng cứ; chưa quy định cụ thể về TTTP trong việc phong tỏa, kê biên, thu giữ, tịch thu và xử lý tài sản do phạm tội mà có và công cụ, phương tiện phạm tội…

Bên cạnh đó, Luật TTTP năm 2007 chưa quy định thủ tục “đóng” yêu cầu TTTP về hình sự trong trường hợp thời gian thực hiện đã lâu, cơ quan Trung ương đã nhiều lần có văn bản đôn đốc tiến độ nhưng không nhận được kết quả; chưa có quy định để xử lý trường hợp đề nghị nước ngoài TTTP hình sự nhưng không có kết quả.

Luật TTTP cũng chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện một số yêu cầu TTTP về hình sự như: Triệu tập người làm chứng, người giám định; dẫn giải người chấp hành hình phạt tù ra nước ngoài để hỗ trợ điều tra hoặc cung cấp chứng cứ; chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự; kê biên, phong tỏa, tịch thu, xử lý tài sản do phạm tội mà có… dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thực tiễn cũng cho thấy, chất lượng hồ sơ ủy thác tư pháp do các cơ quan tiến hành tố tụng gửi ra nước ngoài còn hạn chế; nhiều hồ sơ còn thiếu thông tin, tài liệu cần thiết, nội dung không đầy đủ. Luật chưa quy định việc gửi hồ sơ ủy thác tư pháp dưới hình thức thông qua thư điện tử, trong khi một số Hiệp định TTTP về hình sự đã quy định và thực tiễn đã triển khai thực hiện.

Luật TTTP năm 2007 quy định, cơ quan tiếp nhận truy cứu trách nhiệm hình sự công dân Việt Nam tại Việt Nam là cơ quan nơi công dân đó cư trú cuối cùng trước khi ra nước ngoài là không hợp lý. Vì có nhiều trường hợp công dân Việt Nam đã ra nước ngoài trong thời gian dài, nhiều trường hợp công dân Việt Nam ra nước ngoài trái pháp luật, không khai báo đúng tên tuổi, nơi cư trú cuối cùng của mình…

Để khắc phục các bất cập nêu trên, dự thảo Luật TTTP về hình sự đề xuất 3 chính sách, cụ thể gồm: Xây dựng cơ sở pháp lý ở tầm luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài dành cho nhau sự hợp tác, tương trợ tối đa; quy định có hệ thống, đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động TTTP về hình sự; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong hoạt động TTTP về hình sự; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa cơ quan Trung ương về TTTP về hình sự với các cơ quan có thẩm quyền khác trong hoạt động TTTP về hình sự.

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích