Đề nghị Hà Nội hạn chế điều chỉnh quy hoạch, “cắt xén” diện tích công cộng
Cử tri đã kiến nghị Hà Nội cần hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng.
UBND TP Hà Nội vừa trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp HĐND lần thứ 10, dự kiến ngày 5-8/12.
Một trong các vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, đó là vấn đề quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, cử tri kiến nghị Hà Nội cần hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng.
Thành phố cần quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đảm bảo các đồ án quy hoạch, các dự án khu đô thị, công trình xây dựng phù hợp chỉ tiêu quy hoạch phân khu đô thị, giữ đúng định hướng ban đầu của quy hoạch, cử tri kiến nghị.
Mật độ xây dựng dày đặc ở tuyến đường Lê Văn Lương (Ảnh: T.Kháng). |
Trả lời cử tri, UBND TP khẳng định việc “việc điều chỉnh quy hoạch được kiểm soát ngày càng chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ các điều kiện điều chỉnh quy hoạch của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng”.
Lãnh đạo Hà Nội cũng khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nâng cao chất lượng trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị…
Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011. Trong đó, xác định lộ trình theo từng giai đoạn với mục tiêu “xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng xã hội kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế trí thức và bảo vệ môi trường…”
Trước đó, hồi tháng 7, lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công cộng phục vụ dân sinh.
Hà Nội cũng thừa nhận chất lượng một số đồ án quy hoạch có bất cập về cập nhật hiện trạng dự án, sử dụng đất, tính đồng bộ trong quy hoạch, kiến trúc, tính khả thi… dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch; việc phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch còn thiếu công cụ kiểm soát, hạn chế về chất lượng, thẩm mỹ, thiếu nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch.
Các nội dung nêu trên được đưa ra trong kế hoạch số 190/KH-UBND về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố của UBND TP Hà Nội. Đây cũng là thời điểm diễn ra ít ngày sau kết luận Thanh tra 39 của Bộ Xây dựng về tuyến đường Lê Văn Lương được công bố.
Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều vi phạm dẫn tới tăng diện tích xây dựng, số tầng và dân số ở trục đường Lê Văn Lương. Nhiều chuyên gia, đại biểu cho rằng đây là “điển hình” về điều chỉnh quy hoạch dẫn tới quá tải, ách tắc.
Tuy nhiên tại văn bản trả lời cử tri mới đây về việc xem xét lại chủ trương quy hoạch, trách nhiệm cán bộ nếu có sai phạm, UBND TP Hà Nội lại khẳng định hai bên trục đường Lê Văn Lương được xây dựng đúng định hướng quy hoạch.
Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu nhiều bất cập về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch hiện nay. Theo ông Võ, điều chỉnh quy hoạch hiện nay còn thể hiện tính lỏng lẻo.
Vị chuyên gia cho rằng, về nguyên tắc, phát triển phải dựa trên bản quy hoạch tạo nên lợi ích công cao nhất, lợi ích cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch thường bị biến dạng do ý định của người có thẩm quyền muốn chuyển lợi ích công thành lợi ích tư. Như vậy, buộc phải hình thành nhóm lợi ích để cùng nhau hưởng lợi ích tư chuyển từ lợi ích công sang do làm méo quy hoạch.
Ông lấy ví dụ như ở Trung Quốc, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch không được quyết định điều chỉnh quy hoạch mà phải là cơ quan cấp trên. Điều chỉnh quy hoạch cũng không dễ dàng gì, phải thỏa mãn rất nhiều điều kiện, trình tự thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cũng cực kỳ phức tạp. “Cực chẳng đã, nhà đầu tư dự án mới đề xuất và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới cho phép”, ông Võ nói.
Nhìn lại những bất cập trong quy hoạch thời gian qua, ông Võ chỉ ra điều chỉnh chủ yếu hiện vẫn là giảm bớt hạ tầng, cả hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng môi trường và tăng không gian nhà ở, tức là giảm bớt tiền đầu tư không thu lợi và tăng lợi nhuận từ bán nhà ở. Chính vì vậy, nhiều dự án cuối cùng trên thực địa “khác xa vời vợi” so với bản quy hoạch đầu tiên được phê duyệt.
“Nhìn trên thực tế của đô thị Hà Nội thì đa số điều chỉnh làm méo quy hoạch được duyệt. Câu hỏi được đặt ra là cần điều tra xem người phê duyệt điều chỉnh có nhúng tay vào lợi ích này không để xử lý. Vấn đề lớn nhất cần làm là đổi mới toàn diện khung pháp luật về điều chỉnh quy hoạch”, ông Võ kiến nghị.
Nguồn: Báo xây dựng