Đề nghị chuyển tài liệu công an điều tra vụ điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương
(Xây dựng) – Xung quanh chuyện quy hoạch bị “băm nát” trên tuyến đường Lê Văn Lương, nhiều chuyên gia trong ngành Xây dựng, kiến trúc và không ít đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự bức xúc cho rằng, cần phải chuyển tài liệu sang cơ quan công an điều tra làm rõ mức độ vi phạm, yếu tố tham nhũng, tiêu cực, nhóm lợi ích trong từng lần “tùy tiện” điều chỉnh quy hoạch ở hàng chục công trình bất chấp quy định pháp luật.
Dày đặc những tòa nhà “chọc trời” trên tuyến đường Lê Văn Lương. |
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, trong Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng, hàng loạt sai phạm trong công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại hầu hết công trình thuộc trục đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Trung Hòa – Nhân Chính đã bị vạch rõ.
Sau khi Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng về những sai phạm trong quy hoạch ở đây được ban hành, trả lời báo chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Thành phố đang chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo giải trình rõ về vụ việc được nêu trong Kết luận thanh tra. Thời gian giới hạn theo luật là 60 ngày, từ ngày 17/5 đến 17/7.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (tiến sĩ Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) chia sẻ lo lắng, quy hoạch toàn thành phố sẽ bị phá vỡ nếu không kịp thời thay đổi, kiểm soát chặt chẽ tình trạng này. Theo ông, điểm mấu chốt trong vụ việc trên tuyến đường Lê Văn Lương, đó là việc các cơ quan có thẩm quyền tự ý điều chỉnh quy hoạch. Đây là biểu hiện của sự đặc quyền. Từ đặc quyền dẫn tới phá vỡ mọi nguyên tắc, quy hoạch. Và đằng sau sự đặc quyền, ban phát chính sách thì có lợi ích hay không? Theo ông Nguyễn Công Long, đây cũng là bài học kinh nghiệm cho việc quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch ở những tuyến phố khác.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, việc chuyển hồ sơ vụ việc này sang cơ quan điều tra là rất cần thiết, nhằm làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan, kể cả ở giai đoạn những nhiệm kỳ trước. Cùng với đó, cần làm rõ có tiêu cực, lợi ích trong điều chỉnh quy hoạch hay không, để căn cứ vào đó xử lý trách nhiệm những người liên quan.
Chia sẻ về vấn đề này, TS.Lưu Bình Nhưỡng – nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tình trạng vi phạm của các công trình trên tuyến đường Lê Văn Lương sẽ tiếp tục tồn tại với thời gian, gây ra rất nhiều hệ quả vô cùng nghiêm trọng. Trong đó, có những hệ lụy cho đến bây giờ chưa thấy rõ.
Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, dư luận đã đặt ra nghi ngờ “có lợi ích nhóm”, thì các cơ quan phải xem xét có hay không?
Ông Nhưỡng phân tích và cho rằng, nếu muốn làm rõ thì cần cả một hệ thống chính trị vào cuộc, xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau. Từ đó mới xác định được có hay không có “lợi ích nhóm”, vi phạm mức độ như thế nào, để có biện pháp xử lý triệt để.
Đồng quan điểm, theo ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, mỗi lần điều chỉnh quy hoạch để một cao ốc mọc lên thì lại có một nhóm nhỏ các “nhà đầu tư” được hưởng lợi.
Hiện tại, điều dư luận hết sức quan tâm là những ai đã tham mưu, đã phê duyệt, ký các quyết định điều chỉnh quy hoạch? Vai trò của cơ quan giám sát ở đâu? Có hay không tình trạng làm ngơ cho sai phạm diễn ra hay vấn đề lợi ích nhóm? Tất cả những câu hỏi đó cần phải được điều tra làm rõ và trả lời rõ ràng trước công luận.
Nguồn: Báo xây dựng