Để lao động di cư được tiếp cận chính sách an sinh
Tham dự trực tiếp Hội thảo có các chuyên gia quốc gia và quốc tế về chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư. Hội thảo cũng là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi học thuật, trao đổi các bài học kinh nghiệm nhằm phát huy vai trò hệ thống chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư trong nước và quốc tế.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Hiện nay, an sinh xã hội là vấn đề quan trọng và thiết yếu của mọi quốc gia trên thế giới. Trong quá trình phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã nhiều lần khẳng định vai trò của an sinh xã hội và ban hành nhiều chính sách nhằm không ngừng hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Trải qua hơn 30 năm phát triển và hội nhập, Việt Nam đã dần hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, điều kiện sống của người dân ngày một nâng cao.
Trong những năm qua, Chỉ số phát triển con người (HDI) phản ánh tuổi thọ, học vấn và thu nhập của người dân Việt Nam không ngừng tăng lên từ 0,482 năm 1990 lên 0,710 năm 2022 và hiện giờ Việt Nam đang xếp thứ 117/189 quốc gia về chỉ số phát triển con người. Điều này thể hiện các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên, lao động di cư vẫn khó tiếp cận được chính sách an sinh xã hội, như: Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác; chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức dịch vụ việc làm; các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; các chính sách về an toàn, vệ sinh lao động…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh – Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Khó khăn lớn nhất đối với người lao động di cư là phải đối mặt với việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, không ổn định. Điều kiện sống khó khăn, giá thuê nhà và sinh hoạt phí đắt đỏ kéo dài qua nhiều năm nhưng chưa được quan tâm, giải quyết. Doanh nghiệp chay theo mục tiêu lợi nhuận, hạn chế tối đa chi phí nên không đảm bảo điều kiện và thời gian làm việc, hạn chế an sinh và phúc lợi xã hội”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh – Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
Di cư là một hiện tượng kinh tế – xã hội tất yếu khách quan, gắn liền với quá trình phát triển của mọi quốc gia. Người lao động di cư có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng và các thành tựu đổi mới. Trong 99,6 triệu dân (45% đô thị), ước tính người di cư trong nước chiếm xấp xỉ 10%, chủ yếu đến các thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Lao động di cư chủ yếu thuộc nhóm dân số trẻ (18 – 30 tuổi), đến đô thị tìm việc làm, cơ hội thu nhập học tập, với mong muốn thay đổi cuộc sống bản thân và gia đình.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh cho biết thêm, về khuyến nghị chính sách đối với cơ quan quản lý nhà nước cần thống nhất quan điểm, hoàn thiện cơ chế chính sách an sinh xã hội, người lao động di cư cần sự hỗ trợ đặc biệt về an sinh xã hội, đảm bảo quyền con người. Đối với địa phương, cần ưu tiên quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, thông tin; đơn giản hóa thủ tục hành chính, cư trú. Đặc biệt, đối với người di cư cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng xã hội.
Tại Hội thảo, ông Rozhkov V.Dmitrievich – Phó Giám đốc Học viện Lao động và Quan hệ Xã hội Liên bang Nga chỉ rõ 3 mô hình điều tiết về lao động di cư và nguyên tắc nhà nước điều tiết về lao động di cư tại Nga. Ông Rozhkov V.Dmitrievich cho biết thêm, cần phải tập trung chủ yếu bảo vệ người lao động, thị trường lao động, ưu tiên bảo vệ cơ hội việc làm cho công dân của mình, ngăn chặn sự gia tăng, giữ gìn bản sắc dân tộc.
Ông Rozhkov V.Dmitrievich – Phó Giám đốc Học viện Lao động và Quan hệ Xã hội Liên bang Nga phát biểu tại Hội thảo. |
Chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động di cư cần hướng đến mục tiêu phát triển con người, ổn định xã hội, bảo đảm các quyền an sinh, quyền tự do cư trú, tự do tìm việc làm đã được hiến định. Cần bảo đảm cho người di cư được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn… mà không phụ thuộc vào tình trạng cư trú và việc làm.
Các thắc mắc, câu hỏi của các đại biểu tại hội nghị cũng được các giáo sư, tiến sĩ giải đáp một cách rõ ràng, chi tiết.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn thay mặt lãnh đạo nhà trường gửi lời cảm ơn tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các đơn vị đồng hành, các chuyên gia, nhà khoa học đã ủng hộ và góp phần làm nên thành công của Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư ở Việt Nam”.
Nguồn: Báo lao động thủ đô