Để “hóa rồng” phải có lao động trình độ cao!

Về phát triển kết cấu hạ tầng, chúng ta đã hoàn thiện và sẽ hoàn thiện hàng nghìn km đường cao tốc, mở rộng quy mô các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, bến cảng, nhà ga sân bay… Đây chính là những điều kiện cần để mời gọi thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn. Song chiều ngược lại, chúng ta vẫn thiếu nguồn lao động chất lượng cao, yếu tố đủ để thực hiện khát vọng đất nước hùng cường.

Để “hóa rồng” phải có lao động trình độ cao!
Lao động có trình độ, tay nghề cao đang là đòi hỏi mang tính cấp bách (Ảnh minh họa).

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đưa ra dẫn chứng: Nhiều tập đoàn đến Việt Nam đầu tư, nếu muốn tuyển dụng lực lượng lao động trình độ phổ thông, có tính chất gia công thì dễ, song với nhóm có trình độ cao thì còn rất thiếu. Theo Phó Thủ tướng, năm 2024 được dự báo là năm tiếp tục còn khó khăn đối với toàn cầu.

Đặc biệt, với Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phải thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Trong bối cảnh đó, cần xác định rõ thách thức, tạo ra được cơ hội. Kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành xu thế của thời đại, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhưng cũng có những rào cản kỹ thuật. Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất và nhân tài chính là động lực đột phá của chúng ta. Để rút ngắn khoảng cách, bắt kịp và vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu, theo Phó Thủ tướng, nếu nắm được xu thế này, triển khai lãnh đạo, chỉ đạo để biến nó thành cơ hội thì Việt Nam có thể là nước đi sau nhưng “đi cùng và vươn lên”.

Nếu xét về lộ trình, muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao không phải “một sớm, một chiều” có ngay được. Đồng thời, cũng không hoàn toàn dựa vào hệ thống các trường đào tạo nghề, mà quan trọng bắt đầu từ khâu giáo dục nhà trường phổ thông, đến bậc cao đẳng, đại học. Từ vấn đề tuyển chọn đầu vào, phân loại ngành học, ngành học có tính chuyên sâu, cũng như khả năng ngoại ngữ. Muốn đạt được mục tiêu này ít nhất cũng mất khoảng 10 năm.

Còn hiện tại, để đáp ứng được phần nào lao động chất lượng cao, theo các chuyên gia cần sàng lọc sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng để đào tạo chuyên sâu; cạnh đó cần đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống trường nghề chất lượng cao để học viên có cơ hội tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại và nền kiến thức về công nghệ, để từ đó “đi tắt, đón đầu” vào làm việc tại những dự án công nghệ cao sẽ được đầu tư tới đây.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích