Để “hoa hồng” không còn đất sống!

Để “hoa hồng” không còn đất sống!
Ảnh minh họa.

Hai từ “hoa hồng” có nghĩa là phần “lại quả” của bên B dành cho bên A trong quá trình triển khai dự án. Vụ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á là ví dụ điển hình. Báo chí dẫn lời Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho hay, trong số tiền bán bộ kít xét nghiệm Covid-19 cho trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) một số địa phương cũng như các cơ sở y tế, điều tra ban đầu cho thấy, doanh nghiệp này đã thu về khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó theo lời khai của Phan Quốc Việt, nguyên Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á số tiền mà Công ty này chi “hoa hồng” (lại quả) cho các đối tác lên tới 800 tỷ đồng, một số tiền cực lớn.

Không chỉ vụ Việt Á, lâu nay dư luận cũng từng đề cập và rất bức xúc vấn nạn “hoa hồng” trong mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế- xã hội. Từ khía cạnh đạo đức liên quan đến sinh mệnh con người thì dư luận từng “nổi sóng” việc bác sĩ kê đơn cũng được các hãng dược trả “hoa hồng”, đến việc đấu thầu dự án, chủ đầu tư và các bên liên quan cũng lại quả “hoa hồng”…

Chúng ta phải thống nhất quan điểm, thuật ngữ “hoa hồng” (phần trăm hoa hồng được thông qua môi giới các loại hình như chứng khoán, nhà đất… người hưởng phải đóng thuế theo quy định của pháp luật) còn lại bất luận loại “hoa hồng” nào khác đều là hình thức hối lộ.

Vấn đề đặt ra, đối với bất kỳ cơ quan, đơn vị nào thuộc Nhà nước hàng năm đều có các cơ quan chuyên môn (thanh tra, kiểm toán) đến thanh, kiểm tra. Vậy tại sao, những vấn nạn về “hoa hồng” vẫn không chấm dứt?

Giải quyết gốc rễ của vấn nạn “hoa hồng” (lại quả) ra sao? Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia từng làm trong lĩnh vực tài chính cho hay. Nếu sai phạm trong công tác cán bộ thường liên quan đến công tác tổ chức; còn sai phạm trong quản lý kinh tế, chung chi “hoa hồng” đều liên quan đến lĩnh vực tài chính, cụ thể là khâu kế toán. Chuyên gia này lấy ví dụ điển hình như vụ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, nếu bộ phận tài chính của Công ty cũng như của các CDC “vững vàng” về bản lĩnh, lấy pháp luật là thượng tôn thì sự việc không xảy ra, cũng không có vụ việc lại quả, “hoa hồng” lên tới cả mấy chục phần trăm (cả trăm tỷ đồng).

Bởi vậy, để “hoa hồng” không còn đất sống, bên cạnh việc rà soát các quy định của pháp luật, điều quan trọng các cơ quan hoạch định chính sách cần phải xem xét lại các quy định, trách nhiệm liên quan đến công tác tài chính- kế toán. Có như thế mới giải quyết tận gốc vấn nạn “hoa hồng”.

Hà Lê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích