Để giảm gánh nặng học phí đại học

Anh bạn tôi quê Ninh Bình, gia đình thuộc diện thu nhập trung bình, thậm chí là khó khăn; hai năm trước có con gái thi đỗ Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, mừng nhưng gia đình anh cũng “khốn đốn” vì chuyện học của con. Nào học phí, nào tiền thuê nhà. Năm nay, cậu con trai út lại đỗ Học viện Ngoại giao, gánh nặng tài chính lại đè lên gia đình anh gấp bội. Kinh tế thị trường, “tiền nào của ý”, những trường đại học tốp đầu bao giờ học phí cũng cao.

Tăng học phí bậc đại học: Các gia đình cần lưu ý
Nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước. (Ảnh minh họa)

Ngồi trầm tư bên ly trà nóng, tính chuyện lo tiền cho con trai nhập học, anh nói, xưa học đại học, đa số được Nhà nước bao cấp. Nay trừ những học sinh xuất sắc được nhận học bổng toàn phần, một phần học bổng, còn lại sinh viên phải tự lo học phí. “Học phí vài triệu đồng/tháng, đối với những gia đình có thu nhập không thành vấn đề, nhưng với những gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp hoặc thu nhập không ổn định, với mức học phí như vậy kèm tiền thuê nhà và một loạt các chi phí sinh hoạt ở Thủ đô quả là không đơn giản”, anh cho hay.

Như chúng ta đều biết, hệ thống các trường đại học công lập, bệnh viện công lập đều là những đơn vị sự nghiệp công lập. Nhà nước khuyến khích các hệ thống này tiến tới mô hình đơn vị tự chủ tài chính hoàn toàn, nghĩa là đơn vị hoạt động có thu, Nhà nước không bao cấp quỹ lương và một số khoản đầu tư khác (song không được tiến hành cổ phần hóa). Chính trong quá trình “chuyển đổi” sang tự chủ tài chính, lấy thu bù chi, nhiều trường chưa có kinh nghiệm khai thác giá trị gia tăng từ những hoạt động khác để tạo nguồn thu cho trường, nên hầu như các khoản chi thường xuyên như lương… đều “bổ đầu” vào học phí.

Về vấn đề học phí trường công, một số người đồng quan điểm, khi ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, chúng ta còn phải đi vay nước ngoài để có vốn cho đầu tư phát triển, thì chưa thể có nguồn ngân sách dồi dào nhằm thực hiện mục tiêu học sinh, sinh viên học trong hệ thống trường công không phải đóng học phí. Tuy nhiên, khi nói đến hệ thống trường công, nghĩa là trường của Nhà nước và thực tế Nhà nước đã đầu tư nguồn lực đất đai, trụ sở, cơ sở vật chất cho các hệ thống trường công, trong đó có bậc học đại học. Do đó, cũng nên tính toán lại cơ cấu, mức học phí.

Đặc biệt, vừa qua Bộ Y tế đã có Thông tư hướng dẫn giá khám chữa bệnh, sử dụng dịch vụ y tế đối với hệ thống bệnh viện công. Vì vậy, nên chăng ngành Giáo dục cũng nên quy chuẩn biên độ học phí cho hệ thống đại học công lập. Như thế nào là đại học loại 1, thế nào là đại học loại 2 để từ đó xác lập mặt bằng học phí. Vì thực tế, nghị định quy mức học phí của Chính phủ chỉ quy định đối với ngành học, còn mức đóng học phí thực tế mỗi trường một khác.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích