“Đề cương về Văn hóa Việt Nam” mãi vẹn nguyên giá trị
Phóng viên: Xin ông cho biết giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” ra đời năm 1943?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đầu tiên, chúng ta cần đặt bản Đề cương trong bối cảnh lịch sử để hiểu hết được tầm quan trọng và ý nghĩa của nó. Như vậy, trước khi chúng ta tiến hành khởi nghĩa, giành độc lập cho dân tộc, trong hoàn cảnh văn hóa nước nhà, về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản, đang gặp rất nhiều khó khăn, lại càng khó khăn hơn với chiến tranh thế giới lần thứ 2 làm cho tính chất phong kiến, nô dịch trong văn hóa mạnh lên.
Do đó, việc “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” ra đời, trở thành một bản cương lĩnh về văn hóa, bổ sung cho cương lĩnh chính trị của Đảng. Lần đầu tiên, Đảng ta công bố quan niệm của mình về văn hóa theo quan điểm Mác xít, văn hóa được xác định là một trong ba mặt trận (cùng với mặt trận chính trị và kinh tế) trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tạo nên thay đổi mang tính cách mạng trong nhận thức về văn hóa trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Ý nghĩa này đã đi cùng với bản Đề cương theo suốt chiều dài lịch sử đất nước đến tận hôm nay.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. |
Việc ra đời của Đề cương năm 1943 với ba nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã giúp chúng ta chuyển từ một nền văn hóa về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản sang một nền văn hóa mới cách mạng, dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung, phát huy sức mạnh của văn hóa, hình thành nên tinh thần yêu nước, tình đoàn kết, từ đó, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù.
Phóng viên: 80 năm đã qua, dù trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, đặc biệt khi Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa song hành với xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhìn lại “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” với dòng chảy văn hóa đương đại ông có suy nghĩ gì?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Kể từ khi Đề cương ra đời, văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định. Nền văn hóa cách mạng đã cho ra đời nhiều công trình, tác phẩm nghệ thuật khiến chúng ta tự hào, tạo hành trang tinh thần để chúng ta vượt qua mọi khó khăn. Những nỗ lực gần đây trong phát triển văn hóa cũng giúp cho văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, lan tỏa tích cực sang các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật đa dạng và phong phú của người dân.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, trong văn hóa có cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Chúng ta thường hay nhấn mạnh đến những yếu tố tích cực của văn hóa để cổ vũ, động viên mọi người, dù vậy, trong văn hóa cũng có nhiều yếu tố tiêu cực, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội. Lấy ví dụ những ngày Tết mà chúng ta vừa trải qua chẳng hạn, nhiều phong tục Tết rất đáng quý, giúp chúng ta trải nghiệm, nhớ lại những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.
Tuy nhiên, nhiều thói quen ngày Tết rất nên bỏ trong bối cảnh xã hội đã thay đổi như tụ tập rượu chè, tâm lý chây ì, nghỉ ngơi quá nhiều. Hay vẫn còn hiện tượng mê tín dị đoan, lễ hội phản cảm, tập quán lạc hậu… Tất cả cho thấy rằng, những vấn đề đặt ra từ Đề cương đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Nhiều vấn đề chúng ta mong muốn thay đổi, cải tạo những vẫn còn tồn đọng, rơi rớt đến tận ngày hôm nay. Để cải tạo xã hội cần phải thực sự có một cuộc đổi mới, đột phá về phát triển văn hóa. Văn hóa cần phải phát triển bền vững trước khi tự mình góp phần vào sự phát triển bền vững chung của cả xã hội.
Phóng viên: Thưa ông, cơ quan chuyên môn có thẩm quyền nên vận dụng, tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện những tư tưởng quan trọng của Đề cương như thế nào để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Bối cảnh xã hội hôm nay càng cần phát huy hơn nữa vai trò của văn hóa để hình thành nên hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra hành trang, bản lĩnh và sự tự tin để đất nước hội nhập tốt hơn vào một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng. ở đó, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Vì văn hóa liên quan đến toàn bộ xã hội, nên những nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa cần phải được thẩm thấu vào trong toàn bộ xã hội.
Chúng ta sẽ cần tập trung làm rõ, cập nhật những nội hàm mới của ba nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa trong bối cảnh xã hội hiện nay. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa những nguyên tắc này trong các chương trình hành động, đề án, kế hoạch, và đặc biệt là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam để từ đó định hướng sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vứng đất nước.
Tiếp theo đó, chúng ta cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền để những giá trị của bản đề cương được thẩm thấu tốt hơn vào toàn xã hội qua nhận thức đúng đắn của mọi người. Những ví dụ hay, bài học tốt cũng cần được lan tỏa để những giá trị của bản đề cương trở thành định hướng cho sự phát triển nhân cách, đạo đức của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Điều đó giúp lan tỏa sức sống lâu bền của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943 với sự phát triển đất nước trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Phương Bùi
(thực hiện)
Nguồn: Báo lao động thủ đô