“Đế chế” khai khoáng của nữ doanh nhân Trần Thị Toàn

Bà Trần Thị Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (Ảnh: Báo Nghệ An)
Bà Trần Thị Toàn – Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (Ảnh: Báo Nghệ An)

Sinh năm 1956, bà Trần Thị Toàn hiện là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Toàn Thắng (Toàn Thắng). Pháp nhân này được thành lập vào tháng 3/2001, được biết đến là chủ sở hữu hai khu mỏ lớn nhất tại ‘thủ phủ’ đá trắng xứ Nghệ là mỏ Ba Không và mỏ đá Lèn Chu, chủ đầu tư khách sạn Toàn Thắng Stone toạ lạc tại tuyến đại lộ Lê Nin, Tp. Vinh.

Cập nhật tới tháng 4/2021, Toàn Thắng có quy mô vốn điều lệ 50 tỉ đồng, bao gồm: bà Trần Thị Toàn (70% VĐL), ông Vương Hoàng Dương (15% VĐL) và ông Nguyễn Hồng Nghĩa (15% VĐL).

Ngoài Toàn Thắng, nữ doanh nhân sinh năm 1946 còn đứng tên tại CTCP Như Ngọc, Công ty TNHH Tuệ Khánh Minh và Công ty TNHH Thái Bình Sơn.

Ở một thương vụ ít biết, tháng 8/2019, bà Trần Thị Toàn và ông Trần Quý Minh Thắng đã thâu tóm toàn bộ cổ phần của Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh Khoáng sản Việt Nam. Công ty này cũng hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, đặt trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội.

Ông Trần Quý Minh Thắng (SN 1979) còn đứng tên tại Công ty TNHH BVS. Stone (BVS Stone), Công ty TNHH BVS. Stone II (BVS Stone 2), CTCP Khai thác khoáng sản Quang Sơn và Công ty TNHH Tài Phát.

Nhà máy của BVS Stone II
Nhà máy của BVS Stone II

Trên trang bvsstone.vn, tự nhận là của BVS Stone 2, công ty này cho biết là công ty con của Toàn Thắng, chuyên kinh doanh đá tự nhiên cao cấp, sở hữu nhà máy có tổng vốn đầu tư trên 500 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong số các pháp nhân mà VietTimes vừa đề cập, Toàn Thắng vẫn nổi trội hơn cả về quy mô tài sản và hiệu quả kinh doanh.

Giai đoạn 2016 – 2019, Toàn Thắng liên tiếp báo lãi. Nổi bật là năm 2018, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 50 tỉ đồng, báo lãi 2,63 tỉ đồng. Bước sang năm 2019, doanh thu của Toàn Thắng giảm còn một nửa, về mức 24,6 tỉ đồng, lãi sau thuế 0,74 tỉ đồng.

Trên bảng cân đối, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Toàn Thắng đạt 142,8 tỉ đồng, cao gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu.

Trong khi đó, BVS Stone 2 báo lỗ triền miên trong giai đoạn 2017 – 2019. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của công ty này đạt 62,7 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 44,3 tỉ đồng.

Hoạt động khai thác khoáng sản của nhóm Toàn Thắng từng gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân địa phương.

Gần nhất, ngày 15/6/2021, Toàn Thắng đã bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt hành chính 100 triệu đồng với hành vi “Chiếm đất trồng cây lâu năm tại khu vực nông thôn (cụ thể xây dựng xưởng chế biến đá với diện tích 2,9ha trên đất trồng cây lâu năm) mà chưa được cấp có thẩm quyền thuê đất theo quy định./.

 

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích