Để bước vào thập kỷ giao thông xanh, châu Âu sẽ tung chiến lược gì?

Chiến lược giao thông bền vững 

Tháng 12/2021, Ủy ban châu Âu – cơ quan cao nhất ngành hành pháp của Liên minh châu Âu EU đã chấp thuận một số đề xuất, giải pháp nhằm giảm 90% lượng khí thải carbon nhằm thực hiện Thỏa thuận Xanh châu Âu (Green Deal). 

Thỏa thuận Xanh châu Âu là cam kết mà Liên minh châu Âu đã đề xuất và thông qua vào tháng 12/2019, đặt mục tiêu vào năm 2050 châu Âu trở thành lục địa đầu tiên trung hòa về carbon với những khoản đầu tư khổng lồ và giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Trừ Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, tất cả các thành viên EU đã nhất trí tham gia Thỏa thuận Xanh, theo đó nâng mục tiêu giảm lượng khí CO2 từ 40% lên 55% vào năm 2030 và đến năm 2050 trung hòa về carbon (tức là có biện pháp để hấp thụ khí thải, đúng bằng khối lượng đã phát thải).

eu, liên minh châu Âu, giao thông bền vững, giảm phát thải carbon, giảm phát thải giao thông, kế hoạch của eu, giao thông, di chuyển
Các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh châu Âu, trong đó có giao thông bền vững (Sustainable transport). (Nguồn: European Compost Network)

Tại thời điểm Thỏa thuận Xanh được công bố, bản kế hoạch vấp phải một loại những khó khăn xuất phát từ sự phản đối của các nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu hóa thạch và than đá (như Cộng hòa Séc, Hungary, sau đó 2 nước này đã chấp nhận tham gia Thỏa thuận, chỉ còn Ba Lan lên tiếng phản đối và trì hoãn), sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), thiếu hụt ngân sách và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, EU vẫn nỗ lực đàm phán để đạt được sự thống nhất tạm thời và tiếp tục đưa châu Âu trở thành lục địa xanh của thế giới. 

Năm 2021, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức ngày 22, 23/04/2021, sáng ngày 21/04, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Cam kết chính trị của chúng tôi trong việc trở thành lục địa trung hòa với khí hậu (tức đạt được lượng khí thải carbon dioxide thuần bằng 0) đầu tiên vào năm 2050 giờ đây là một cam kết pháp lý. Luật khí hậu đặt EU trên một con đường xanh cho một thế hệ.”

Tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) diễn ra vào cuối năm 2021, Anh cùng các nước EU cũng đi đến cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là, EU đang tiến tới những thỏa thuận bằng luật pháp và cam kết cụ thể chứ không phải là lời hứa hẹn để trở thành “lục địa không carbon” vào giữa thế kỷ. Như vậy, tạm gác lại các vấn đề liên quan đến khủng hoảng do Covid-19, đây chính là thời điểm tốt nhất để Liên minh châu Âu chứng tỏ vị thế của mình trong cuộc đua “sống hay chết” chống lại biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. 

Giao thông – lĩnh vực chịu trách nhiệm cho 21% lượng phát thải carbon toàn cầu trở thành một trong những lĩnh vực đầu tiên được Ủy ban châu Âu hướng đến giảm lượng carbon phát thải về mức gần bằng 0. Các sáng kiến đặt ra chủ yếu tăng cường vận tải đường sắt, khuyến khích du lịch đường sắt dài và xuyên biên giới, hỗ trợ triển khai các điểm sạc xe điện và cơ sở hạ tầng tiếp nhiên liệu thay thế, phát triển đa phương thức giao thông. 

eu, liên minh châu Âu, giao thông bền vững, giảm phát thải carbon, giảm phát thải giao thông, kế hoạch của eu, giao thông, di chuyển
Khối lượng khí CO2 phát thải do các phương tiện giao thông tính trên mỗi km hành trình, theo số liệu năm 2018. (Nguồn: Our world in data)

Tập hợp các sáng kiến được thể hiện dưới hình thức là Khung quy định về Di chuyển Đô thị châu Âu mới (The new European Urban Mobility Framework – UMF), phát hành chính thức vào ngày 14/12/2021, có vai trò hướng dẫn, điều chỉnh và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông của những quốc gia châu Âu trong khối liên minh, hướng tới giảm phát thải và xây dựng giao thông bền vững. 

Mục tiêu, cách thức thực hiện và những yếu tố mới của Khung quy định về Di chuyển đô thị châu Âu

Bên cạnh mục tiêu tiến thêm một bước trong quy trình thực hiện Thỏa thuận Xanh châu Âu, Khung quy định mới sẽ tiến hành cải thiện giao thông vận tải di chuyển đến, trong và xung quanh các thành phố, nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa và giao hàng tận nhà. 

Để thực hiện những mục tiêu trên, thứ nhất, Ủy ban châu Âu vạch ra kế hoạch thiết lập khuôn khổ chung với các biện pháp bao gồm hướng dẫn cách giải quyết các vấn đề: Ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, an toàn giao thông đô thị, tăng trưởng thương mại điện tử và những thách thức khác.

eu, liên minh châu Âu, giao thông bền vững, giảm phát thải carbon, giảm phát thải giao thông, kế hoạch của eu, giao thông, di chuyển
Ngày 07/12/2021, Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho biết phần lớn người dân sống tại khu vực thành thị ở châu Âu vẫn phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe. (Ảnh: Reuters)

Thứ hai, tăng cường hỗ trợ và chia sẻ các phương thức giao thông bền vững (đặc biệt là giao thông công cộng và di chuyển tích cực như đi bộ và đi xe đạp) cũng như hậu cần đô thị không phát thải. Thúc đẩy cách tiếp cận nhất quán và tổng hợp để đảm bảo xây dựng được những kế hoạch di chuyển đô thị bền vững chất lượng cao. 

Thứ ba, giám sát tốt hơn tiến độ thực hiện các chính sách và biện pháp di chuyển đô thị với cách tiếp cận nhất quán để thu thập dữ liệu di chuyển đô thị bền vững; thúc đẩy việc tích hợp các dịch vụ di chuyển sáng tạo vào hệ thống giao thông đô thị và tăng cường số hóa để di chuyển bền vững trong đô thị.

Thứ tư, duy trì khả năng cạnh tranh lâu dài và dẫn đầu về công nghệ trong lĩnh vực giao thông đô thị và tăng cường sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên và xây dựng đối thoại liên tục với các thành phố, khu vực và các bên liên quan khác về tất cả các vấn đề di chuyển chính của đô thị.

Những yếu tố mới của khung quy định bao gồm việc đưa vào thực tiễn một cách tiếp cận tổng thể và đầy tham vọng về giao thông bền vững và các chỉ số liên quan đến mạng lưới Giao thông xuyên châu Âu TEN-T và SUMPs. Cùng với đó, Khung quy định mới sẽ đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn để linh hoạt giao thông đô thị, tiết kiệm năng lượng và đặc biệt là xác định các giải pháp không phát thải cho lĩnh vực logistics đô thị. 

Bên cạnh đó, những điểm mới đáng chú ý khác bao gồm thúc đẩy khả năng di chuyển tích cực và bảo vệ những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương như người đi bộ và đi xe đạp, khi mà 70% nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông thuộc nhóm đối tượng này. 

eu, liên minh châu Âu, giao thông bền vững, giảm phát thải carbon, giảm phát thải giao thông, kế hoạch của eu, giao thông, di chuyển
Nguồn: GPSmyCity

Tích hợp các kế hoạch phát triển bền vững logistics đô thị trong phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa nội đô và chia sẻ dữ liệu tự nguyện giữa các bên liên quan. Cùng với ngành logistics, Khung quy định mới cũng sẽ cung cấp hướng dẫn phát triển bền vững và không phát thải cho vận tải hành khách theo yêu cầu (dịch vụ taxi và thuê xe có người lái PHV). 

Đẩy nhanh quá trình số hóa và đổi mới bằng cách kết hợp giao thông đô thị trong cung cấp và xử lý dữ liệu nhạy cảm về mặt thương mại cho các dịch vụ di động kỹ thuật số đa phương thức như các ứng dụng Mobility as a Service (MaaS) và trên không gian dữ liệu di động chung châu Âu để tạo điều kiện truy cập và chia sẻ dữ liệu di chuyển. 

Mạng lưới Giao thông xuyên châu Âu TEN-T và Quy hoạch di chuyển đô thị bền vững SUMPs

Mạng lưới giao thông TEN-T được thực hiện nhằm phát triển mạng lưới các tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, các tuyến vận tải cảng, biển, sân bay, nhà ga đường sắt trên toàn lãnh thổ châu Âu. Mục tiêu của mạng lưới TEN-T là thu hẹp khoảng cách, gỡ bỏ các nút thắt và rào cản kỹ thuật, tăng cường kết nối xã hội, kinh tế trên lãnh thổ EU. 

eu, liên minh châu Âu, giao thông bền vững, giảm phát thải carbon, giảm phát thải giao thông, kế hoạch của eu, giao thông, di chuyển
Đường sắt cao tốc tại châu Âu. (Ảnh: The Logistician)

Các chính sách về mạng lưới TEN-T được thực hiện dựa trên Quy định (EU) số 1315/2013 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu, công bố ngày 11/12/2013. Trong Khung quy định về Di chuyển đô thị mới của châu Âu, EC đề xuất hiện đại hóa mạng lưới TEN-T theo hướng bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng kết nối với các tuyến đường sắt cao tốc để giảm tối đa mức phát thải carbon từ giao thông. 

Mạng lưới TEN-T bao gồm 2 lớp chính: mạng lưới lõi và mạng lưới toàn diện. Mạng lưới lõi bao gồm các kết nối giao thông liên kết những nút giao thông quan trọng nhất, dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Mạng lưới toàn diện bao gồm tất cả các nhánh giao thông trong khu vực châu Âu, dự kiến hoàn thành vào năm 2050. Cho đến nay, mạng lưới TEN-T đã kết nối với 424 thành phố lớn của châu Âu. 

eu, liên minh châu Âu, giao thông bền vững, giảm phát thải carbon, giảm phát thải giao thông, kế hoạch của eu, giao thông, di chuyển
Sơ đồ 9 tuyến hành lang của mạng lưới lõi TEN-T. (Nguồn: European Commision) 

Quy hoạch di chuyển đô thị bền vững SUMP là nền tảng phát triển giao thông bền vững của những thành phố trong khối liên minh EU. Các kế hoạch chiến lược được thiết kế để đảm bảo đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân và doanh nghiệp trong các thành phố và môi trường xung quanh họ, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống. 

SUMP phải bao gồm những mục tiêu hướng tới xây dựng hệ thống giao thông địa phương bền vững, an toàn và toàn diện hơn, được cơ quan chính trị có liên quan thông qua. Kế hoạch phải được xây dựng dựa trên các thông lệ lập kế hoạch hiện có và xem xét sự tham gia của tất cả các bên liên quan và công chúng nói chung, cũng như tuân theo các nguyên tắc giám sát và đánh giá phù hợp.

Trong hướng dẫn của Khung quy định mới về SUMP, xe đạp là phương tiện giao thông được ưu tiên phát triển tại môi trường đô thị. Cùng với xe đạp, đi bộ và phương tiện giao thông công cộng cũng là những phương thức di chuyển cần được đầu tư hạ tầng và là trọng tâm của quy hoạch đô thị. 

eu, liên minh châu Âu, giao thông bền vững, giảm phát thải carbon, giảm phát thải giao thông, kế hoạch của eu, giao thông, di chuyển
(Nguồn: Sharing Cities Alliance)

Điểm mấu chốt của Khung quy định mới về giao thông bền vững là sự liên kết giữa mạng lưới TEN-T và SUMP. Theo đó, 424 thành phố đã tham gia mạng lưới TEN-T nên xây dựng một kế hoạch SUMP hoàn chỉnh và thu thập dữ liệu có liên quan vào năm 2025. 

Theo đó, đến năm 2025, 424 thành phố này cũng cần có các trung tâm hành khách đa phương thức, bao gồm các điểm dừng đỗ và khởi hành, cải thiện kết nối dặm đầu tiên và dặm cuối cùng, nghĩa là triển khai một hệ thống giao thông toàn diện, trơn tru, nâng cao năng lực cần thiết cho giao thông đường dài thông qua đường sắt cao tốc và các phương thức vận tải khác trong khu vực nội đô. 

Có thể thấy, chiến lược tổng thể của Khung quy định mới của Ủy ban châu Âu là xây dựng mạng lưới giao thông bền vững trên toàn bộ lãnh thổ châu Âu bằng cách xây dựng từng đoạn bền vững. Mỗi đoạn đường tham gia vào mạng lưới giao thông toàn châu Âu phải là một đoạn đường bền vững, không phát thải carbon, không ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Từ đó, tổng thể sẽ trở nên bền vững một cách thống nhất dựa trên những hướng dẫn chung của Ủy ban châu Âu. 

Phó Chủ tịch Điều hành Thỏa thuận Xanh châu Âu, ông Frans Timmermans phát biểu về sự kiện Ủy ban châu Âu ban hành Khung quy định mới: “Quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của châu Âu sẽ mang lại những thay đổi lớn đối với cách chúng ta di chuyển. Các đề xuất ngày nay đặt nền tảng di chuyển của châu Âu đi đúng hướng cho một tương lai bền vững: kết nối đường sắt châu Âu nhanh hơn, cải thiện giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng cho đi bộ và đi xe đạp, đồng thời tận dụng tối đa giải pháp cho việc lái xe thông minh và hiệu quả.”

Đường sắt cao tốc, xe đạp, xe buýt, xe điện, đi bộ… có thể sẽ là những gì người ta nghĩ về giao thông ở châu Âu trong thập kỷ tới, nếu những kế hoạch và cam kết được thực hiện trên toàn bộ lãnh thổ của lục địa này. Trên thực tế, đã có những thành phố tại châu Âu gần như đạt được hệ thống giao thông không phát thải như Amsterdam (Hà Lan), Copenhagen (Đan Mạch)… Tuy nhiên, để tất cả đô thị châu Âu cùng đạt được viễn cảnh chung, sẽ còn nhiều thách thức, hoài nghi và cả một chặng đường dài./. 

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích