Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội: Ðòi hỏi quyết tâm cao
Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” (Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ) đã qua 1 năm triển khai, đem lại niềm hy vọng mới cho hàng trăm nghìn gia đình.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, sáng tạo với quyết tâm cao hơn từ cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương.
Khu nhà ở xã hội Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Quang Thái |
Những con số biết nói
Từ năm 2021 đến hết năm 2023, cả nước có 499 dự án NƠXH được triển khai với quy mô 411.250 căn. Trong đó, 72 dự án đã hoàn thành (38.128 căn); 129 dự án đã khởi công (114.934 căn); 298 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư (258.188 căn).
Nhiều địa phương có mật độ dân số lớn, nhiều khu công nghiệp đang tập trung quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội quy mô lớn, như Đồng Nai 1.063ha, thành phố Hồ Chí Minh 608ha, Long An 577ha, Hải Phòng 471ha, Hà Nội 412ha.
Đáng chú ý, nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi về NƠXH cũng đã được ban hành: Dành tối đa 20% tổng diện tích đất dự án NƠXH để xây dựng công trình, dịch vụ, nhà ở thương mại; miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, được vay vốn với lãi suất ưu đãi; cắt giảm quy định về điều kiện cư trú đối với đối tượng mua, thuê mua NƠXH; các đối tượng là công nhân, lực lượng vũ trang được hưởng thêm chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Hiện có 28 địa phương đã công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Còn các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, giải ngân được 640 tỷ đồng cho 8 dự án.
Vẫn vướng khi triển khai
Theo nhiều doanh nghiệp, việc hoàn thành thủ tục thực hiện dự án NƠXH gặp nhiều khó khăn hơn so với dự án nhà ở thương mại, tổng thời gian hoàn thành thủ tục dự án NƠXH từ lúc bắt đầu triển khai đến khi khởi công thường khoảng 2 năm. Nhiều dự án bị chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư. Việc quy hoạch, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất lúa mất nhiều thời gian.
Nhiều doanh nghiệp làm NƠXH băn khoăn khi chưa biết sẽ được hỗ trợ kinh phí đầu tư những hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nào, cũng như mức miễn giảm tiền thuê đất đối với các diện tích công trình dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án nhà ở xã hội. Ngoài ra, quy định suất vốn đầu tư nhà ở xã hội làm cơ sở xác định giá bán đang thấp hơn so với thực tế, mức lợi nhuận tối đa là 10% khiến có ít nhà đầu tư mặn mà.
Hà Nội đã có nhiều dự án nhà ở xã hội được hoàn thành giúp cho nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp, người lao động có cơ hội “an cư, lạc nghiệp”. Ảnh: Phạm Hùng |
Trong khi đó, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho các dự án NƠXH và người mua cũng đang rất chậm. Theo ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), bản chất gói 120.000 tỷ đồng là gói tín dụng từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng, không có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vì vậy, vẫn chưa đủ hấp dẫn so với các chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Giải pháp được ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đề xuất là cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại.
Còn theo ông Đỗ Thanh Sơn, Chính phủ nên xem xét thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội, huy động nhiều nguồn lực khác nhau và vốn ngân sách đóng vai trò đầu mối để tạo nguồn vốn cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để tăng mạnh nguồn cung thì phải đơn giản hóa tối đa điều kiện cho vay đối với dự án phát triển NƠXH đã được phê duyệt, cam kết lãi suất ổn định với thời hạn cho vay ít nhất đủ một chu kỳ cho doanh nghiệp đầu tư, thu hồi vốn.
Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Du Lịch – Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia bày tỏ: “Muốn làm NƠXH thì Nhà nước phải hỗ trợ nguồn lực chứ không chỉ ban hành chính sách rồi giao cho thị trường tự làm”.
Đáng chú ý, để tăng khả năng tiếp cận NƠXH cho người lao động thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần tăng mạnh tỷ lệ NƠXH cho thuê mua; mở rộng đối tượng được tiếp cận NƠXH; cho phép doanh nghiệp trong khu công nghiệp được mua nhà để cho công nhân thuê…
Mảnh ghép cuối cùng là địa phương
Để thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ NƠXH, có thể nói các địa phương là mảnh ghép quyết định, là nơi khởi đầu và hoàn thành các dự án NƠXH. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nếu các địa phương không tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ mà đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu thì doanh nghiệp làm NƠXH cũng mất hào hứng. Thực tế qua 1 năm triển khai Đề án xây ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho thấy, nhiều địa phương đã tích cực, chủ động quy hoạch quỹ đất, tìm kiếm nhà đầu tư, thống kê nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn…
Đơn cử, thành phố Hà Nội đã phê duyệt chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, trong đó xác định nhu cầu nhà ở đến năm 2030 là 6,8 triệu mét vuông sàn – tương đương khoảng 110.000 căn hộ; triển khai kế hoạch nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu phát triển mới hơn 1,2 triệu mét vuông sàn – tương đương khoảng 20.000 căn hộ.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Thành phố đã lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“Việc phát triển NƠXH rất quan trọng. UBND thành phố đã thống nhất báo cáo với Thành ủy Hà Nội để ban hành một nghị quyết và có chương trình tổ chức triển khai trong toàn hệ thống chính trị” – ông Dương Đức Tuấn chia sẻ.
Không những phải chủ động, các cấp ủy, chính quyền địa phương còn cần đặt mình vào vị trí người chưa có chỗ ở để thực hiện tốt nhất, nghiêm túc nhất, trách nhiệm nhất việc phát triển nhà ở xã hội, không đùn đẩy, né tránh. Còn theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương cần có một đầu mối để thống nhất quản lý và phát triển NƠXH, phát huy cao nhất vai trò của quỹ phát triển nhà ở.
Với ý nghĩa nhân văn vô cùng to lớn của Đề án 1 triệu căn hộ NƠXH, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định phát triển NƠXH, nhà ở công nhân là nội dung quan trọng của các chính sách phát triển kinh tế – xã hội; là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển NƠXH, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân khu công nghiệp nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.
Đến nay, cả nước đã hoàn thành hàng trăm dự án NƠXH, nhà ở công nhân, giúp cho hàng chục nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân có chỗ ở an toàn. Trong tương lai, cần có thêm nhiều dự án NƠXH được xây dựng, hoàn thành và đến được với người lao động thu nhập thấp bằng quyết tâm, nỗ lực “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng cơ chế, chính sách, luật pháp” của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Nguồn: Báo xây dựng