ĐBQH: Xem xét sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia
Theo đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình bày tỏ vui mừng trước sự phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế – xã hội do Chính phủ báo cáo. Song đại biểu băn khoăn có một nghịch lý đang diễn ra với năng suất lao động và thị trường lao động là vì sao năng suất lao động chưa cao trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày càng tăng, bài toán chênh lệch cung cầu, vừa thừa vừa thiếu lao động, làm thế nào để thích ứng với thị trường lao động theo xu hướng chuyển đổi số, cơ cấu ngành nghề và các cơ hội việc làm mới hậu Covid-19.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình. Ảnh Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Chỉ rõ nguyên nhân của sự chênh lệch về cung cầu lao động và năng suất lao động, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, nguyên nhân thứ nhất là do quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chưa tính đến phát triển nguồn nhân lực, tốc độ đô thị hóa nhanh hơn khả năng chuyển dịch của nguồn cung lao động. Thứ hai, do sự chênh lệch giữa ngành nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường, các ngành chế biến, chế tạo công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics là những ngành thu hút FDI lớn, tạo giá trị gia tăng cao song tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ ở mức 20%-25% và năng suất lao động lại thấp hơn nhiều ngành có giá trị gia tăng thấp như khai khoáng, điện, nước, bất động sản.
Trước thực tế đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị xem xét sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia và quyết tâm hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để có thể triển khai thành công các chỉ đạo, chính sách thúc đẩy năng suất lao động của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy phong trào tăng năng suất lao động, kết nối hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương. Cần sớm hoàn thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia để hình thành bộ máy cơ quan chuyên sâu về năng suất quốc gia, thực hiện nhiệm vụ điều phối phối hợp các động lực tăng trưởng năng suất quốc gia của Việt Nam.
Đồng thời đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm phù hợp với hình thái việc làm, nghề nghiệp mới, quan hệ lao động mới. Ngoài ra, việc vận hành hiệu quả Hội đồng tiền lương quốc gia cũng sẽ góp phần xây dựng hệ thống tiền lương phù hợp với thị trường, thu hút nhân lực chất lượng cao.
Đề cập đến vấn đề tăng tính công khai, minh bạch thông tin, dữ liệu về năng suất lao động, đại biểu đề xuất sớm hoàn thiện thống kê, công bố đầy đủ, minh bạch hơn về chỉ tiêu năng suất lao động của các địa phương, ngành, lĩnh vực và các loại hình doanh nghiệp để hoàn thiện bức tranh tổng thể về năng suất lao động.
Đối với doanh nghiệp, chất lượng kỹ năng nghề của người lao động được nâng cao sẽ là nhân tố gia tăng năng suất lao động tại doanh nghiệp.
Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 -2030 đã xác định nhân tố con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao được coi là giải pháp đột phá góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, hùng cường.
Việt Nam có cơ cấu “dân số vàng” với lực lượng lao động dồi dào khoảng 51,6 triệu người, chiếm trên 55% dân số, là lợi thế để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, tạo nên sức cạnh tranh khi nước ta hội nhập quốc tế, tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm và thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài.
Dù vậy, trước yêu cầu ngày càng cao về lao động có kỹ năng nghề phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Điều này thể hiện rõ nét ở nhiều khía cạnh. Đó là việc có tới gần 74% lực lượng lao động qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ; sự thiếu hụt kỹ năng cơ bản, kỹ năng cốt lõi và kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật phổ biến, nhất là các lĩnh vực, ngành, nghề có sự thâm dụng về lao động, năng suất lao động và các chỉ số liên quan đến kỹ năng lao động Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới…
Đáng chú ý, hai năm qua, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động, chuỗi cung ứng về lao động bị đứt gãy, sự thiếu hụt kỹ năng lao động trở nên nghiêm trọng hơn ở nhiều ngành nghề, lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, giảm thu nhập, nhất là nhóm lao động có kỹ năng làm việc thấp.
Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cho thấy vai trò quyết định của nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, chất lượng và hiệu quả cao đối với gia tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế bền vững. Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trình độ kỹ năng người lao động tác động tích cực đến năng suất lao động tại doanh nghiệp. Nếu tăng 1% các nhóm lao động: qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ; có chứng chỉ sơ cấp nghề; bằng trung cấp, cao đẳng; bằng đại học trở lên; chứng chỉ khác thì năng suất lao động tăng lên tương ứng là: 0,04%; 0,16%; 0,19%; 0,22%; 0,13%. Cũng theo báo cáo, năng suất đóng góp trong tăng trưởng GDP khoảng 65-75%. Vì vậy, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đóng góp trực tiếp cho năng suất lao động và tăng trưởng GDP.
Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng nhận định, thế kỷ 21 được gọi là kỷ nguyên kinh tế dựa vào kỹ năng, vũ khí cạnh tranh quyết định ở thế kỷ này là kỹ năng của lực lượng lao động, các doanh nghiệp luôn phải tìm mọi cách để có được nhân lực có kỹ năng nghề cao.
Phương Nam