Đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Đồng thời, tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; tổ chức lại cơ cấu dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị. Để kịp khởi công dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô trong tháng 6/2023 và đưa vào khai thác năm 2027 theo chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội đã có kế hoạch cụ thể với các mốc tiến độ chi tiết.
Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long) qua địa phận: TP. Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km). Dự án có tổng diện tích đất sử dụng khoảng 1.341ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng. Theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, Quốc hội giao UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, với khối lượng công việc rất lớn và các đặc điểm đặc thù của dự án như: Việc được tách thành dự án thành phần; vốn đầu tư dự án sớm từ nhiều nguồn khác nhau; nhiều thủ tục trình tự chưa có quy định trong hệ thống quy phạm pháp luật, triển khai với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua… thì rất cần thiết phải ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết để bảo đảm huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất mới có thể triển khai thành công dự án. Để chỉ đạo triển khai các công việc liên quan của các dự án thành phần bảo đảm tính đồng bộ về tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, hiệu quả, ngay trong tháng 9, UBND TP. Hà Nội phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh báo cáo Thành ủy thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022.
Riêng với Hà Nội, sẽ cần tới 741ha đất để thực hiện dự án. Xác định được vai trò quan trọng của giải phóng mặt bằng, TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 70% mặt bằng sạch cho dự án, hết năm 2023 sẽ bàn giao 100%. Từ đó, tạo tiền đề khởi công dự án trong tháng 6/2023. Dự kiến trong tháng 9 này, Hà Nội sẽ hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung chỉ giới đường đỏ toàn tuyến trên địa bàn thành phố; tổ chức phê duyệt cơ chế, chính sách áp dụng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án… Liên quan tới công tác bố trí tái định cư phục vụ, UBND thành phố yêu cầu UBND các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín rà soát nhu cầu tái định cư, phối hợp với các sở liên quan đề xuất danh mục các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư, báo cáo UBND thành phố xem xét chấp thuận, triển khai lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các khu tái định cư bằng nguồn vốn dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô; hoàn thành trong tháng 4/2023. UBND quận Hà Đông rà soát nhu cầu tái định cư, phối hợp với Sở Xây dựng tiến hành rà soát quỹ nhà tái định cư trên địa bàn thành phố làm cơ sở để UBND thành phố xem xét chấp thuận bố trí quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân đủ điều kiện được bố trí nhà tái định cư của dự án đầu tư; hoàn thành xong trong tháng 9/2022…
Mới đây, tại Kỳ họp thứ chín, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thống nhất bổ sung 8.400 tỷ đồng cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 từ nguồn Ngân sách Trung ương để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô./.