Đẩy mạnh xử lý, ứng dụng phát thải của các nhà máy hoá chất làm vật liệu xây dựng
(Xây dựng) – Ngày 03/3/2023, tại Hải phòng, Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) và Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học về xử lý, tiêu thụ bã Gyps của Nhà máy sản xuất phân bón DAP – Vinachem tại Đình Vũ.
Hội thảo do Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) phối hợp Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng tổ chức. |
Tại Hội thảo các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học và các chuyên gia đã tập trung đề cập các vấn đề: Xử lý bã thải Gyps, công nghệ xử lý bã thải Gyps thành thạch cao PG; ưu nhược điểm của việc sử dụng thạch cao PG trong sản xuất VLXD để từ đó làm tiền đề cho việc tiếp tục nghiên cứu; xử lý bã thạch Gyps thành các sản phẩm phục vụ cho các ứng dụng khác trong sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) và làm VLXD…
Xử lý và tiêu thụ bã thải Gyps vẫn chưa được như kỳ vọng
Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 30 nhà máy nhiệt điện đốt than, 03 nhà máy sản xuất phân bón DAP đang hoạt động. Lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước bình quân khoảng 16 triệu tấn, lượng bã thải Gyps khoảng 1,3 triệu tấn.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Đánh giá được tầm quan trọng của việc tái sử dụng các loại phế thải công nghiệp này, ngày 23/9/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD.
Tiếp đó, ngày 12/4/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 452/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng.
Gần đây nhất Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ VLXD cho biết: Việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng, đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu thay thế cho một lượng lớn khoáng sản đang phải khai thác từ tự nhiên, đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, đảm bảo sự phát triển bền vững… đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã vào cuộc, xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật giúp đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao. Đến thời điểm hiện tại đã ban hành 19 Tiêu chuẩn, 01 Quy chuẩn và 7 Chỉ dẫn kỹ thuật, 03 định mức kinh tế kỹ thuật.
Cũng theo ông Phạm Văn Bắc, hiện nay lượng tro, xỉ nhiệt điện đã được xử lý, tiêu thụ đáng kể, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, tổng lượng tro xỉ được tiêu thụ trong năm 2022 đạt hơn 16,68 triệu tấn, tương đương 105,7% tổng lượng phát thải trong năm. Tính đến cuối năm 2022, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 65,08 triệu tấn, chiếm khoảng 55,8% tổng lượng phát thải từ trước tới nay.
Tuy nhiên lượng xử lý và tiêu thụ bã thải Gyps vẫn chưa được như kỳ vọng. Tốc độ tiêu thụ thạch cao PG còn chậm, chỉ có nhà máy DAP số 1 (Đình Vũ, Hải Phòng) có dây chuyền xử lý bã thải thạch cao thành thạch cao PG do Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ đầu tư với công suất thiết kế 750.000 tấn thạch cao PG/năm. Sản phẩm thạch cao PG của Công ty Thạch cao Đình Vũ đã được 25 nhà máy xi măng sử dụng. Năm 2022 nhà máy DAP1 tiêu thụ được 321.319 tấn bã thạch cao; nhà máy DAP Đức Giang – Lào Cai tiêu thụ được khoảng 300.000 tấn; nhà máy DAP2 Lào Cai bã thạch cao vẫn chưa tiêu thụ được, phải tích trữ toàn bộ tại bãi chứa.
Ước tính lượng tồn trữ bã thải thạch cao đến cuối năm 2022 khoảng 12,7 triệu tấn, trong đó nhà máy DAP Đình Vũ tại Hải Phòng tồn trữ 4,45 triệu tấn; nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai tồn trữ 2,6 triệu tấn; nhà máy DAP Đức Giang – tại Lào Cai tồn trữ khoảng 6 triệu tấn. Chính vì vậy việc đẩy mạnh xử lý, tiêu thụ bã thải Gyps đang là vấn đề cấp bách.
Các nhà khoa học khảo sát nhà máy xử lý bã thải gyps Đình Vũ. |
Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Vũ Ngọc Anh cho biết: Nhằm đẩy mạnh việc xử lý, tiêu thụ tro xỉ, thạch cao… trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu các ứng dụng mới đối với sử dụng thạch cao; Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về việc xử lý, sử dụng thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh đồng thời đề nghị các nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học, hội nghề nghiệp tích cực nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý bã Gyps thành thạch cao PG với chi phí ngày càng rẻ hơn; tìm giải pháp đưa thạch cao PG vào làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng với khối lượng ngày càng lớn hơn, bảo đảm hài hòa yếu tố kinh tế – kỹ thuật – môi trường…
Cần nhận thức bã thải Gyps không còn là bã thải nguy hại
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Viện VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết: Trên thế giới bã Gyps phát thải từ các nhà máy hoá chất được tận dụng chế biến thành thạch cao phospho (PG) làm phụ gia xi măng và làm vật liệu san nền thay thế cho vật liệu khai thác từ thiên nhiên.
Ở nước ta hiện nay mới sử dụng làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết cho xi măng thay thế cho thạch cao thiên nhiên. Việc sử dụng thạch cao PG làm vật liệu san lấp, đắp nền đường thay thế vật liệu truyền thống vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm.
Bã thải Gyps được xử lý thành thạch cao nhân tạo. |
Đại diện Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết: Hàng năm VICEM cung cấp ra thị trường khoảng 25 triệu tấn xi măng nên việc tận dụng nguồn thạch cao nhân tạo sản xuất trong nước thay thế thạch cao thiên nhiên vẫn phải nhập khẩu sẽ mang lại lợi ích kinh tế, giảm chi phí giá thành, chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, đặc biệt là góp phần xử lý chất thải gây ô nhiễm.
Năm 2023, VICEM sẽ sử dụng 350 nghìn tấn thạch cao nhân tạo trên tổng nhu cầu 820 nghìn tấn cho sản xuất xi măng. Tổng công ty tiếp tục triển khai nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm tăng tỷ lệ sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên trong sản xuất .
Đại diện Công ty cổ phần DAP – Vinachem chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu tiêu thụ sản phẩm thạch cao sau chế biến. Phương án chế biến thạch cao PG làm vật liệu cốt nền hiện vẫn đang chờ cơ quan quản lý nhà nước ban hành tiêu chuẩn, hướng dẫn sử dụng đối với loại vật liệu mới này. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm hoàn thiện bổ sung tiêu chuẩn, hướng dẫn về việc chế biến, sử dụng bã thạch cao PG làm vật liệu san nền.
Ông Kiều Văn Mát – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thạch cao Đình Vũ cho biết: Nhà máy thạch cao Đình Vũ có công suất thiết kế xử lý 750.000 tấn bã thải Gyps đầu vào, tạo ra 600.000 tấn thạch cao PG đầu ra mỗi năm. Với dây chuyền công nghệ tự động hoá, hiện nhà máy đã ổn định hết công suất cung cấp phụ gia cho các nhà máy xi măng, chất lượng xi măng ổn định và hoàn toàn có thể thay thế thạch cao tự nhiên.
Từ năm 2023, Công ty tiếp tục đầu tư công nghệ thiết bị nâng công suất từ 750 nghìn tấn/ năm lên 1,5 triệu tấn/ năm. Sản phẩm thạch cao chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn cho cả các ngành VLXD khác như sản xuất tấm trần, khuôn gốm sứ và xuất khẩu sang Nga, Ấn độ.
Ông Kiều Văn Mát đề nghị các Viện nghiên cứu, nhà khoa học, đơn vị đối tác có công nghệ tối ưu, tham gia đóng góp ý kiến để nhà máy sản xuất thạch cao PG Đình Vũ được hoàn thiện hơn, góp phần cho công ty trong việc xử lý bảo vệ môi trường chung của TP Hải Phòng, cũng như Khu kinh tế Đình Vũ, tạo điều kiện tốt hơn cho việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào Khu kinh tế Đình Vũ.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: Hiện nay tại TP Hải Phòng, Khu kinh tế Đình Vũ là khu vực trọng điểm phát triển, được xác định trong Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Đình Vũ, Hải Phòng chính là khu vực phát triển công nghiệp logistics của cả nước và cả miền Bắc. Việc phát triển khu vực Đình Vũ luôn nhận được sự kì vọng lớn từ phía Bộ Chính trị, cần phải quan tâm và nhanh chóng tìm các giải pháp hiệu quả để phát triển tốt khu vực này. Bên cạnh đó, khu vực Đình Vũ còn có cảng nước sâu Lạch Huyện, là cửa ngõ ra biển vô cùng quan trọng.
Với nhận thức bã thải Gyps có thể là tài nguyên, là tiềm năng để phát triển nếu biết xử lý, ông Lê Trung Kiên cam kết sẽ lắng nghe và báo cáo lãnh đạo Thành phố để tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp nghiên cứu sâu hơn. Các đơn vị cần thực hiện tốt việc đẩy nhanh công suất sản xuất thạch cao cũng như đảm bảo chất lượng của sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất sản lượng xi măng…
Ông Kiên mong muốn các nhà khoa học tiếp tục dồn tâm sức để tìm ra hướng nghiên cứu với bã thải Gyps, có thể đưa bã thải này trở thành tài nguyên cũng như nhận được nhiều đóng góp để tổng hợp báo cáo, đánh giá nhằm xử lý dứt điểm bã thải Gyps, đặc biệt là về DAP. Đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng, Viện VLXD, Viện Khoa học Công nghệ có các chỉ dẫn kỹ thuật sớm để TP có thời gian thực hiện…
Nguồn: Báo xây dựng