Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN theo định hướng mới

Theo đó, một là đánh giá, rà soát, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản có liên quan phù hợp các cam kết tại Hiệp định CPTPP, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Đây được xem là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng và truyền thống của Tổng cục TCĐLCL.

 Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định.

Cũng theo Thứ trưởng cần lưu ý trong các TCVN, QVCN ban hành, có bao nhiêu TCVN, QCVN phục vụ cho việc ứng dụng tiến bộ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên quan đến Big data, liên quan đến IOT… đây là vấn đề cần lưu ý hướng đến cốt lõi của việc chuyển đổi số.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới (trong đó đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ ứng dụng, phát triển các công nghệ cao, phục vụ phát triển năng lượng quốc gia, tiêu chuẩn về môi trường, năng lượng tái tạo…) theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đảm bảo phục vụ quản lý, trang bị kịp thời cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đặc biệt là tập trung xây dựng đề án chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.

 Ảnh minh họa.

Ba là, xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số trong hoạt động TCĐLCL theo hướng tinh gọn, nâng cao năng suất, kế thừa các hệ thống điện tử công nghệ thông tin đã được đầu tư.

Theo Thứ trưởng, cần nhận diện vấn đề để đề ra kế hoạch dài hạn, trên nền tảng như hiện nay đặt ra bối cảnh hạ tầng TĐC quốc gia, đảm bảo đồng bộ, thông suốt, linh hoạt. Nghĩa là tất cả thành phần cần tham gia quản lý nhà nước và dịch vụ toàn quốc, được lưu thông, chia sẻ.

“Trong một vài năm nữa, nếu tất cả hệ thống đều liên thông chúng ta sẽ có Big data cho hệ thống vừa quản lý nhà nước vừa hỗ trợ vấn đề cung cấp dịch vụ. Đây là đề án đặc biệt quan trọng, chính vì vậy cần được quan tâm và lưu ý về hình thức và tầm vóc”, Thứ trưởng Định nhấn mạnh.

Bốn là, tập trung, ưu tiên nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia. Đặc biệt cần chú trọng tổ chức xây dựng hệ thống các phòng kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa đủ năng lực phục vụ nhu cầu phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu, thúc đẩy việc thừa nhận lẫn nhau và đảm bảo đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước.

Tăng cường hợp tác quốc tế về TCĐLCL để tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế thông qua sự tham gia, hợp tác với các tổ chức TCĐLCL quốc tế, khu vực và nước ngoài.

Năm là, tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình, Đề án quốc gia (Chương trình 1322 về nâng cao năng suất chất lượng; Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc; Đề án 996 về đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; Quyết định số 36/QĐ-TTg về kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo) theo cách tiếp cận mới, linh hoạt hơn.

Tất cả các Chương trình, Đề án đều phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy mạnh mẽ năng suất, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Việt Nam, đảm bảo có tính cạnh tranh dựa trên nền tảng áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Sáu là, Tổng cục TCĐLCL cần tăng cường kỷ cương và minh bạch trong các nhiệm vụ chính trị được giao. Các tổ chức Đảng, cơ quan cần lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ địa phương, từ doanh nghiệp, từ đó có tham mưu, điều chỉnh trong quản lý và xây dựng chính sách. 

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích