Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công

(Xây dựng) – Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công
Việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được áp dụng theo các quy định có liên quan về tài sản dự án, tài sản kết cấu hạ tầng, đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Dự thảo đề xuất 2 chính sách để sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công như sau:

Chính sách 01: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công

Theo đó, dự thảo sửa đổi quy định về phân cấp, phân quyền trong trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công để bảo đảm tính chủ động của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong việc quyết định mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công.

Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công.

Sửa đổi quy định về thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên kết, liên doanh; các quy định về tính khấu hao, hao mòn tài sản cố định.

Bổ sung đối tượng áp dụng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy định về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, xử lý tài sản được xác lập quyền sử hữu toàn dân.

Chính sách 02: Chính sách về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác

Mục tiêu của chính sách nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công; tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình áp dụng pháp luật góp phần tăng cường khai thác, sử dụng tài sản tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Theo đó, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên.

Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp thực hiện chính sách đã lựa chọn như sau:

Giải pháp 1: Bổ sung quy định theo hướng các nội dung khác về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên không quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về tài nguyên và pháp luật có liên quan.

Lý do lựa chọn giải pháp này là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành chưa có quy định cụ thể ranh giới giữa việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác về việc thực hiện quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài sản từ đất đai, tài nguyên.

Thực tế, Quốc hội đã ban hành các Luật quy định cụ thể về chế độ quản lý, sử dụng đối với đất đai, tài nguyên, như: Luật Đất đai năm 2024 quy định về chế độ quản lý và sử dụng đất đai; Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Luật Lâm nghiệp năm 2017…

Giải pháp 2: Bổ sung quy định theo hướng nhà, đất tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan (pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng, đất đai…), không phải thực hiện sắp xếp lại theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Bộ Tài chính lý giải tài sản công tại doanh nghiệp hiện nay đang được điều chỉnh theo các quy định của pháp luật có liên quan, cụ thể: (1) Việc quản lý, sử dụng tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và đã được tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan; (2) Việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được áp dụng theo các quy định có liên quan về tài sản dự án, tài sản kết cấu hạ tầng, đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp như hiện nay làm phát sinh thủ tục hành chính; hạn chế tính chủ động của doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất của doanh nghiệp để phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc bỏ quy định về việc phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất tại doanh nghiệp sẽ tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất của doanh nghiệp để phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trường hợp Nhà nước cần thu hồi thì có thể thực hiện được ngay mà không phải làm quy trình sắp xếp, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích