Đẩy mạnh giải pháp đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng
Vẫn khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 455 chợ dân sinh, trong đó có 15 chợ hạng một, 57 chợ hạng hai, 352 chợ hạng ba. Ngoài ra, có 2 chợ đầu mối là Minh Khai và phía Nam, 3 chợ có tính chất đầu mối: Chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ.
Những năm gần đây, nắm bắt xu hướng của thị trường, nhiều chợ truyền thống đã có cải tiến để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, trên thực tế, ở các chợ nhỏ lẻ, tự phát vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.
Tại hội nghị về kết quả triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức vừa qua, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, 60% nguồn thực phẩm ở chợ cung cấp cho người dân. Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng rau, thịt bày bán ở các chợ cóc, chợ tạm còn hạn chế. Đến nay, trong số hàng trăm chợ trên địa bàn Hà Nội, mới chỉ có 22 trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm, tỷ lệ này rất thấp.
Các chợ dân sinh của Hà Nội đáp ứng phần lớn nhu cầu của người tiêu dùng. |
Chị Trần Thị An (quận Nam Từ Liêm) cho biết, hằng ngày việc lựa chọn chợ gần nhà để mua thực phẩm đã thành thói quen. Tuy nhiên, bản thân chị hiếm khi được chia sẻ về nguồn gốc của đồ tươi sống bản thân đã mua.
“Mỗi khi đi làm về tiện đường tôi rẽ qua chợ gần nhà. Nơi đây đáp ứng hết nhu cầu ăn uống hằng ngày của gia đình. Khi mua rau, thịt, cá… tôi cũng không biết được nguồn gốc của sản phẩm, người bán hàng cũng không chia sẻ bao giờ. Mặc dù có lúc mua thực phẩm về không được tươi ngon, tôi chỉ biết bỏ đi chứ không biết nên phản ánh thế nào”, chị An nói.
Trường hợp như chị An không phải là hiếm. Dạo quanh các chợ dân sinh của Hà Nội như chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), chợ Hà Đông, chợ khu vực quận Cầu Giấy… phần lớn hàng nông sản, thực phẩm kinh doanh tại các chợ đều được nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Nông sản không có tem, nhãn mác. Do kinh doanh nhỏ lẻ, nên hầu như người bán và người nhập đều không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc nông sản.
Ngoài bức tranh chung về thiếu nguồn gốc xuất xứ, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là điều cần quan tâm. Vẫn còn tình trạng thực phẩm tươi sống được bày bán nhưng không có tủ bảo quản khá phổ biến; nhiều sản phẩm thịt lợn, thịt bò… không có dấu kiểm dịch động vật của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh. Nguyên nhân của tình trạng này là do các gian hàng chật hẹp, thiết bị, dụng cụ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn.
Hoạt động mua bán ngoài trời tại các chợ cóc, chợ dân sinh. |
Cùng với đó, việc kiểm tra, quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm ở các chợ truyền thống còn nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, nhận thức của người tiêu dùng cũng chưa đầy đủ về quyền lợi của mình. Đơn cử như người tiêu dùng mua hàng không lấy hóa đơn, không xem xét xuất xứ hàng hóa, không xem hạn sử dụng sản phẩm, chủ yếu là mua hàng với giá rẻ, mẫu mã đẹp mà không quan tâm đến chất lượng hàng hóa… Ngay cả khi phát hiện quyền lợi chưa được đảm bảo, khách hàng cũng ngại khiếu kiện, chấp nhận thua thiệt, từ đó chưa tạo được sức mạnh để các tiểu thương thực hiện nghĩa vụ đối với người tiêu dùng.
Đề cao trách nhiệm trong kinh doanh
Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng chợ không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn có vai trò đóng góp vào phát triển du lịch, giao lưu giữa các tầng lớp dân cư và phục vụ người dân.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định quy định rõ trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại. Nội dung nổi bật là cơ quan liên quan phải ban hành nội quy theo quy định của pháp luật trong đó có các nội dung cơ bản về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm: Quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, người bán hàng; người có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, phản ánh của người tiêu dùng và biện pháp xử lý vi phạm.
Theo đó, thiết lập, niêm yết công khai đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng phù hợp với cấp độ chợ, trung tâm thương mại đã được phân loại theo quy định của pháp luật.
Định kỳ 6 tháng một lần thông báo, phối hợp với các cơ quan chức năng về thương mại, quản lý thị trường, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng trong việc kiểm soát chất lượng, số lượng, nguồn gốc, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi chợ… Các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng và pháp luật về việc chậm trễ thực hiện việc ngừng cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.
Trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, tuỳ vào trường hợp nhất định, các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tiến hành các trách nhiệm công khai và thông báo công khai thu hồi.
Cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của tiêu thương về an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thành phố Hà Nội đã triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thành phố đã ban hành đầy đủ các chương trình, kế hoạch đề chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện.
Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) có chủ đề: “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn”, các sở, ngành, quận, huyện của Thành phố đã thực hiện nhiều hành động nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn. Sở Công thương Hà Nội đã tuyên truyền các hộ kinh doanh tại chợ chấp hành đầy đủ các quy định chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa kinh doanh. Hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng; giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc của khách hàng…
Các quận, huyện, thị xã hoàn thành công tác rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ với tổng số 19.034 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong các chợ, trong đó 15.125 cơ sở thuộc lĩnh vực Nông nghiệp; 2.463 cơ sở thuộc lĩnh vực Công Thương; 1.446 cơ sở thuộc lĩnh vực Y tế… UBND các quận huyện thị xã đã hướng dẫn và cấp biển nhận diện cho 2.791 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ.
Nhận thức được từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, nhất là gia cầm sẽ tăng cao, để bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, nhiều chợ lên kế hoạch đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm và yêu cầu 100% chủ hàng ký cam kết kinh doanh gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ban Quản lý một số chợ phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh…
Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe của chính mình, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, khi mua hàng nên chọn mua sản phẩm có bao gói, nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn… để giảm thiểu tối đa nguy cơ mất an toàn, quyền lợi tiêu dùng bị xâm phạm.
Nguồn: Báo lao động thủ đô