Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo các đại biểu Quốc hội, dù tiến độ giải ngân đầu tư công hiện vẫn còn thấp hơn kỳ vọng, nhưng nhờ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam vẫn có cơ sở để đạt mức tăng trưởng ấn tượng nếu có các giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn từ nay đến cuối năm.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. (Ảnh minh họa: TRẦN HẢI)

Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ quan điểm về nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công – động lực then chốt để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024.

Nỗ lực giải ngân: Cần quyết tâm mạnh mẽ hơn

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Đại Thắng cho biết, mặc dù Chính phủ và các cấp lãnh đạo đã rất nỗ lực trong chỉ đạo và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kết quả thực hiện vẫn thấp hơn kỳ vọng và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Thắng, để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu kinh tế quan trọng, cần đẩy mạnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Đại Thắng. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ông Thắng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, nhất là những vướng mắc liên quan đến mặt bằng”.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Trịnh Xuân An nhận định rằng, tiến độ giải ngân trong 9 tháng đầu năm đang thấp hơn khoảng 20% so với cùng kỳ.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Trịnh Xuân An. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Tuy nhiên, ông An bày tỏ sự lạc quan rằng với khối lượng công việc lớn trong quý IV, đầu tư công có thể tác động mạnh mẽ đến GDP cả năm. Ngoài ra, quý IV cũng là thời điểm FDI thường tăng trưởng mạnh khi các doanh nghiệp nỗ lực hoàn tất đơn hàng, tập trung cho sản xuất và xuất khẩu.

“Cộng hưởng những yếu tố tích cực từ trong và ngoài nước, tôi tin tưởng rằng với quyết tâm của chúng ta, tăng trưởng GDP trong quý IV hoàn toàn có thể đạt 7,4% đến 8% và điều này hoàn toàn có cơ sở”, ông An cho biết.

Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu và đầu tư xã hội

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, các dự án hạ tầng lớn như hệ thống đường bộ cao tốc, đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Bình tới Hưng Yên và các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội khác là động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Hoàng Ngân. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng 15,4%, vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng, cùng với sức mua nội địa được cải thiện là những tín hiệu tích cực để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 7%.

“Những nỗ lực và kết quả tích cực từ các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế mang đến niềm tin vào khả năng tăng trưởng của chúng ta trong năm nay”, ông Ngân cho biết.

Tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội, có thể thấy rằng dù còn nhiều thách thức, song nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, nhờ xuất khẩu, FDI và tiêu dùng nội địa đều duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Các đại biểu Quốc hội cũng kêu gọi cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, để tăng tốc triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, tạo động lực bền vững cho phát triển kinh tế-xã hội.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích