Đẩy mạnh công tác kiểm tra cơ sở kinh doanh dược tại Sóc Trăng
Từ đầu năm đến nay, Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng, đã triển khai công tác kiểm tra kiểm soát tập trung vào các mặt hàng trọng điểm trên địa bàn, trong đó có mặt hàng dược phẩm nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đây cũng là chuỗi hành động nằm trong Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền.
Theo đó, qua công tác giám sát, quản lý địa bàn, thu thập thông tin về tình hình kinh doanh mặt hàng dược phẩm trên địa bàn các huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu, từ đầu năm 2024 đến nay, Đội QLTT số 4 đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 22 cửa hàng kinh doanh dược phẩm, kết quả đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính cả 22 trường hợp với số tiền gần 350 triệu đồng về các hành vi vi phạm như: bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc, để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc, … cùng với một số hành vi vi phạm khác.
Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược
Trong thời gian tới, Đội QLTT số 4 tiếp tục bám sát vào văn bản chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng, tiếp tục tăng cường công tác giám sát, quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền.
Căn cứ quy định tại Luật Dược 2016, kinh doanh dược là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ liên quan đến thuốc và nguyên liệu làm thuốc trên thị trường nhằm mục đích sinh lời.
Theo đó pháp luật nghiêm cấm các hành vi sau đây liên quan đến hoạt động kinh doanh dược: Kinh doanh dược mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Kinh doanh dược tại nơi không phải là địa điểm kinh doanh dược đã đăng ký.
Kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại khoản 26 Điều 2 Luật Dược 2016 và thuốc, nguyên liệu làm thuốc khác không đúng mục đích hoặc cung cấp không đúng đối tượng mà cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Kinh doanh dược không thuộc phạm vi chuyên môn được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Kinh doanh dược thuộc một trong các trường hợp sau đây: Thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng; thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thuốc, nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã hết hạn dùng.
Thuốc, nguyên liệu làm thuốc thuộc danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, cấm sản xuất; Thuốc thử lâm sàng; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc làm mẫu để đăng ký, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, tham gia trưng bày tại triển lãm, hội chợ; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa được phép lưu hành; Thuốc thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, thuốc viện trợ và thuốc khác có quy định không được bán; Bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc; bán lẻ vắc xin.
Bán thuốc cao hơn giá kê khai, giá niêm yết. Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn hoặc cho người khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề dược, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược để hành nghề hoặc kinh doanh dược.
Bảo Linh