Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho ngành Xây dựng
(Xây dựng) – Nguồn nhân lực được xem là yếu tố quan trọng, quyết định đến khả năng cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của một quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vai trò, vị trí của nguồn nhân lực ngày càng được khẳng định. Điều này đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm thông qua các Nghị quyết Đại hội Đảng các khóa, các chủ trương chính sách của Nhà nước luôn đặt trọng tâm nhiệm vụ cho phát triển nguồn nhân lực. Vậy mỗi Bộ, ngành, địa phương đòi hỏi cần phải xây dựng Chiến lược đầu tư phát triển nguồn nhân lực ở tất cả các ngành nghề, coi đây là một yêu cầu thiết yếu, một nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá chiến lược.
Khánh thành Trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng. |
Ngành Xây dựng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay được nhìn nhận là một trong những ngành mũi nhọn đóng vai trò như xương sống của nền kinh tế, là thước đo phản ánh sự phát triển, đóng góp trực tiếp vào quá trình hình thành tài sản cố định của quốc gia. Những công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng là tiền đề cho sự phát triển từ các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Vì vậy, sự phát triển của ngành Xây dựng được xem là xu thế không thể đảo ngược trong quá trình tăng trưởng của một quốc gia. Đây cũng là ngành có lực lượng lao động đông đảo, phân bố ở nhiều lĩnh vực, chiếm tỷ trọng khá lớn về mặt số lượng trong toàn bộ nguồn nhân lực của đất nước. Nhân lực ngành Xây dựng bao gồm đội ngũ công chức các cơ quan quản lý trong ngành từ Trung ương đến các địa phương; đội ngũ viên chức các đơn vị sự nghiệp và tại các doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ và công nhân – lao động hoạt động trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong phạm vi cả nước, với mọi thành phần kinh tế.
Với tốc độ phát triển kinh tế ngày càng nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, mang đến cho ngành Xây dựng nhiều cơ hội lớn, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức.
Trong đó có việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, năng lực tham gia vào quá trình hình thành, phát triển các đô thị hiện đại; đủ sức cạnh tranh hiệu quả trên thị trường xây dựng trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời phù hợp chính sách phát triển của ngành Xây dựng và mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với mục tiêu chung phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022 – 2030 là đưa nguồn nhân lực ngành Xây dựng trở thành lợi thế quan trọng để phát triển bền vững đất nước nói chung và phát triển ngành Xây dựng nói riêng; nâng cao trình độ nhân lực ngành có tính cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế, đồng thời phù hợp chính sách phát triển của ngành Xây dựng và mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 30/12/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 1413/QĐ-BXD ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022 – 2030.
Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) tích cực triển khai công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ ngành Xây dựng
Giáo dục và đào tạo chính là nhân tố quyết định trực tiếp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là phương tiện đắc lực để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước. Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) với vai trò là một đơn vị nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng (ĐTBD) về quản lý xây dựng và đô thị đã ngày càng khẳng định được uy tín, chất lượng trong công tác ĐTBD cán bộ ngành Xây dựng.
Học viện từ lâu đã trở thành một địa chỉ tin cậy đối với người học và các đối tác, đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành Xây dựng trong những năm qua. Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thực tế và định hướng của ngành, Học viện triển khai nhiều mô hình đào tạo bồi dưỡng theo hướng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức, tiếp cận công nghệ mới cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp trong và ngoài ngành Xây dựng, thuộc mọi thành phần kinh tế.
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống
Công tác ĐTBD chuyên môn cho cán bộ công chức viên chức trong hệ thống luôn được Học viện quan tâm chú trọng hàng đầu. Tính từ năm 2010 đến nay, trung bình hàng năm Học viện tổ chức đào tạo khoảng 250 lớp với số lượng khoảng 20.000 lượt học viên thuộc 30 loại hình đào tạo khác nhau như: ĐTBD quản lý Nhà nước về xây dựng cho cán bộ, công chức chính quyền địa phương; ĐTBD cán bộ, công chức trong hệ thống; ĐTBD đáp ứng điều kiện, năng lực hoạt động xây dựng; ĐTBD chuyên môn nghiệp vụ khối doanh nghiệp; ĐTBD về ngoại ngữ; phối hợp với Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý hành chính đối với cán bộ, công chức viên chức trong và ngoài ngành Xây dựng; thực hiện hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế về các lĩnh vực hoạt động của Học viện…
Trong công tác thực hiện Đề án 1961 về đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho lãnh đạo các cấp của các địa phương, Học viện đã tổ chức triển khai quyết liệt trên cả nước với hơn 400 khóa đào tạo, bồi dưỡng với sự tham gia của hơn 10.000 lượt cán bộ công chức lãnh đạo đương nhiệm, công chức đô thị các cấp.
Học viện đã hoàn thành xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu giảng dạy cho 8 nhóm đối tượng học viên, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên chuyên sâu và kiêm nhiệm, gồm cán bộ, lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia quốc tế,… Đó là những kết quả rất tích cực, bởi cán bộ quản lý đô thị có nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ mới có thể giải quyết tốt công việc trong thực tế, góp phần phát triển bền vững cho các đô thị Việt Nam.
Từ năm 2019 đến nay, ngành Xây dựng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn. Học viện nắm bắt kịp thời, chủ động phối hợp với các Cục, Vụ chức năng của Bộ để xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu phục vụ cho công tác tổ chức tập huấn trên phạm vi cả nước, tiêu biểu như: Chương trình tập huấn quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng; Chương trình về công tác bảo vệ môi trường; Nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa của ngành sản xuất vật liệu xây dựng; Chương trình chuyên sâu về nông thôn mới theo Quyết định 1600…
Trong năm 2023, Chính phủ, Bộ Xây dựng ban hành thêm nhiều Luật, Nghị định, Thông tư. Theo đó, Học viện đã tổ chức 55 lớp tập huấn với hơn 5.000 học viên trên khắp mọi miền. Các nội dung tập huấn đều liên quan đến Nghị định 35/2023/NĐ-CP về quy hoạch kiến trúc; Nghị định 44/2022/NĐ-CP; Nghị định 10/2021/NĐ-CP; Luật Kiến trúc; Luật Xây dựng; các Nghị định, Thông tư về quản lý dự án, quản lý chất lượng, quản lý chi phí, hợp đồng, đấu thầu, xử phạt vi phạm hành chính, quản lý đất đai, nhà ở; Quy hoạch kiến trúc; Quản lý trật tự xây dựng và một số chương trình tập huấn khác… Bên cạnh đó, tập huấn theo kế hoạch tại các dự án sự nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia cũng được triển khai, đó là các khóa học về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…
Nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ doanh nghiệp
Đối với chương trình dành cho doanh nghiệp, Học viện cũng đặc biệt quan tâm và xây dựng các chương trình thiết thực, phong phú, sát với yêu cầu thực tiễn như các khóa học: Bồi dưỡng tăng cường năng lực Hội đồng quản trị; Bồi dưỡng nâng cao năng lực Ban kiểm soát trong các doanh nghiệp ngành Xây dựng; Bồi dưỡng tăng cường năng lực cán bộ quản lý doanh nghiệp; Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lý cấp trung; Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo dành cho cán bộ các cấp của doanh nghiệp; Bồi dưỡng kỹ năng về quản lý chi phí, tài chính cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa; Bồi dưỡng quản lý nhà ở và bất động sản (Có yếu tố nước ngoài); Bồi dưỡng xây dựng khu đô thị thông minh (Có yếu tố nước ngoài).
Đây đều là những khóa học bổ ích đối với cán bộ đang công tác tại các doanh nghiệp, giúp cập nhật kiến thức mới và nâng cao kỹ năng trong công việc, góp phần nâng cao chất lượng nguồn cán bộ, đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của cán bộ ngành Xây dựng trong thời kỳ hội nhập.
Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hợp tác hội nhập quốc tế
Nhiều năm qua, hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị không ngừng được củng cố, khai thác và mở rộng. Để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực hội nhập quốc tế, Học viện đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như: WB, ADB, KOICA, UN-Habitat, JICA, Citis Alliance, PSU, Fundacion Metropoli, AiCM; các cơ sở đào tạo của các nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Philippines,… tổ chức các khóa đào tạo về lĩnh vực quản lý xây dựng và đô thị cho cán bộ thuộc Bộ Xây dựng và cán bộ chính quyền các địa phương trên cả nước.
Đặc biệt, Học viện đã phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện 02 dự án nước ngoài. Dự án SECO (Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực phát triển đô thị ở Việt Nam), dự án hỗ trợ kỹ thuật VKC (Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng). Đối với dự án VKC, ngày 13/8/2024, tại Học viện AMC đã khánh thành Trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng, tích cực triển khai được 14 khóa đào tạo về đô thị thông minh tại các địa phương, 03 khóa tại Hàn Quốc với những nội dung bồi dưỡng tổng quan về đô thị thông minh. Đối với Dự án SECO đã hoàn thành nội dung bồi dưỡng TOT về phát triển đô thị bền vững.
Khoá học Kinh nghiệm quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư xây dựng phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại cho cán bộ Thành phố Hà Nội năm 2024 tổ chức tại Học viện AMC. |
Với mục tiêu đưa Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị trở thành đơn vị đào tạo theo chuẩn quốc tế, lãnh đạo Học viện luôn khẳng định hợp tác trong và ngoài nước là động lực quan trọng tạo nên sự bứt phá trong phát triển các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, hội nhập.
Thường xuyên đổi mới chương trình, tài liệu
Học viện cũng thường xuyên tiến hành rà soát các chương trình, nội dung giảng dạy đáp ứng sát yêu cầu thực tế, phù hợp với chính sách và tiêu chuẩn cán bộ, phù hợp với từng đối tác, học viên. Phương pháp đào tạo tích cực được triển khai rộng rãi, đi sâu vận dụng kỹ năng, xử lý tình huống, phát huy tính sáng tạo, chủ động của học viên.
Hằng năm, các nhiệm vụ khoa học tại Học viện đều được triển khai đảm bảo chất lượng. Nhiều đề tài, dự án được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, mang lại những đóng góp mới về mặt khoa học. Kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện là nền tảng vững chắc, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, viên chức của Học viện cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Nhận thức sâu sắc việc ĐTBD nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, người lao động của toàn ngành Xây dựng là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng và là sự nghiệp chung của toàn ngành. Đẩy mạnh ĐTBD phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng trên cơ sở thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022 – 2030 sẽ góp phần thắng lợi vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của ngành Xây dựng Việt Nam.
Theo đó, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị luôn nỗ lực trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cũng như đồng hành cùng với sự phát triển của ngành Xây dựng và đất nước; góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ công chức ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng, đáp ứng được với yêu cầu ngày càng cao của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
TS. Trần Hữu Hà
Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị
Nguồn: Báo xây dựng