Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống tòa án

Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, Tòa án nhân dân Tối cao đã đưa vào sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của Tòa án, góp phần mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên, trên thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại làm trì trệ, ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử như: Hạ tầng kỹ thuật tại các Tòa án nhân dân còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa được tối ưu hóa và vận hành chuyên nghiệp, chưa có khả năng linh hoạt đáp ứng yêu cầu mới phát sinh. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tư pháp còn hạn chế; tình trạng “cát cứ thông tin”, “co cụm dữ liệu” tại một số đơn vị, Tòa án vẫn còn tồn tại; tỉ lệ dịch vụ tư pháp công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỉ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến thấp…

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống tòa án
Phiên tòa trực tuyến diễn ra tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Để khắc phục các tồn tại hạn chế nói trên và đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ thị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai việc nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật công vụ trong tổ chức thực hiện. Trực tiếp phụ trách, chỉ đạo về chuyển đổi số tại đơn vị mình; chỉ đạo tái cấu trúc và đổi mới mô hình hoạt động từ “truyền thống” sang quản lý trên nền tảng số; kết quả thực hiện là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại thi đua khen thưởng. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử với kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, công chức hệ thống Tòa án phải nhận thức được việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Tòa án điện tử phải trở thành khát vọng của toàn hệ thống Tòa án và của từng Thẩm phán, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh kỷ luật công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong toàn hệ thống Tòa án, khắc phục triệt để tình trạng ngại ứng dụng công nghệ thông tin, ngại cập nhật dữ liệu, cập nhật không đầy đủ, cập nhật không chính xác, không kịp thời vào các hệ thống phần mềm ứng dụng nội bộ dùng chung của Tòa án. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng “cát cứ thông tin”, “co cụm dữ liệu” và cử nhân sự không có năng lực, không đủ kinh nghiệm hoặc tham gia hời hợt trong quá trình đề ra các yêu cầu, thử nghiệm, đánh giá khi xây dựng các phần mềm ứng dụng, tham gia các lớp đào tạo hướng dẫn sử dụng các phần mềm.

Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin để Tòa án điện tử thực thi trong thực tiễn phải đồng bộ cả nhân lực quản lý, vận hành và ứng dụng công nghệ thông tin. Đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật số, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin cho các Tòa án. Trong đó, tập trung tiếp tục nâng cấp Trung tâm dữ liệu Tòa án theo hướng hiện đại, linh hoạt, có tính dự phòng, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ quy định, đồng thời xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng của Tòa án; nâng cấp hạ tầng truyền dẫn tốc độ cao, hạ tầng kỹ thuật số và bổ sung các trang thiết bị công nghệ thông tin cho các Tòa án đáp ứng yêu cầu triển khai các hệ thống công nghệ thông tin của Tòa án điện tử.

Cũng theo Chỉ thị, Tòa án phấn đấu đạt 100% các văn bản (trừ văn bản mật) được quản lý, xử lý, ký số và phát hành (gửi, nhận) thống nhất trên nền tảng số Tòa án thông qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành Tòa án nhân dân (https://vbdh.toaan.gov.vn) thay thế cho việc quản lý, xử lý, ký phát hành theo hình thức thủ công truyền thống hiện nay; từng bước tiến tới thực hiện mô hình văn phòng làm việc không giấy tờ.

100% thông tin lý lịch cán bộ, công chức, viên chức, lao động Tòa án từ khâu tuyển dụng, bổ nhiệm và diễn biến trong suốt quá trình công tác đến khi kết thúc công tác được quản lý thống nhất trên nền tảng số Tòa án thông qua phần mềm quản lý nhân sự (https://qlcb.toaan.gov.vn).

100% hồ sơ giải quyết các loại án, hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, lao động và hồ sơ công việc được số hóa và lưu trữ lên kho hồ sơ điện tử dùng chung của Tòa án qua đó giúp lưu giữ hồ sơ nguyên vẹn, lâu dài, tiết kiệm nhân lực, vật lực và thuận tiện trong công tác quản lý, sử dụng, tra cứu. Trước mắt, ưu tiên số hóa toàn bộ hồ sơ vụ án.

100% các thẩm phán, công chức có chức danh tư pháp của Tòa án sử dụng nghiêm túc, trách nhiệm phần mềm Trợ lý ảo Tòa án trong công tác chuyên môn giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết công việc; đồng thời tích cực tham gia huấn luyện và làm giàu tri thức cho phần mềm trợ lý ảo thông qua cách thức góp ý, đánh giá về chức năng, nội dung trả lời trong quá trình sử dụng, thường xuyên cung cấp các câu hỏi tình huống, câu trả lời.

L.T

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích