Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đo lường pháp định vì quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân

Ông có thể cho biết đôi nét cơ bản về đo lường pháp định?

Đo lường pháp định là phần của đo lường gồm các hoạt động phải tuân thủ yêu cầu quy định liên quan đến phép đo, đơn vị đo, phương tiện đo và phương pháp đo; các hoạt động này được thực hiện bởi tổ chức có đủ năng lực.

Nói tóm lại, đo lường pháp định là việc xây dựng và áp dụng cơ chế quản lý đối với hoạt động đo lường để đảm bảo kết quả các phép đo pháp định là tin cậy.

Tất cả các phép đo liên quan tới thương mại, bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường; thanh tra, giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác đều thuộc phạm vi của đo lường pháp định. Đo lường pháp định đảm bảo rằng tất cả các phép đo có mục đích trao đổi hàng hoá trong thương mại đều phải công bằng và đáng tin cậy. Ví dụ: “Nhận được những gì mà bạn trả” một cân thịt, một lít xăng, một mét vải. Những phương tiện đo này bản thân chúng phải được quản lý theo quy định của đo lường pháp định, như đồng hồ bơm ga, đồng hồ tính tiền xe taxi, công tơ điện, cân tại siêu thị…

Ngoài ra, những phương tiện đo được sử dụng trong thi hành pháp luật như phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở, hoặc trong y tế như máy đo huyết áp, nhiệt kế tại bệnh viện cũng thuộc phạm vi đo lường pháp định.

Vậy ý nghĩa của đo lường pháp định mang lại cho các ngành nghề là gì thưa ông?

Đo lường pháp định là xây dựng niềm tin của người tiêu dùng dựa trên tính đúng đắn của các phép đo và sự bảo vệ đối với người sử dụng thiết bị đo và khách hàng. Các thiết bị đo chính xác có thể theo dõi được mức sử dụng cho nhiều hoạt động đo lường khác nhau, đáp ứng lợi ích cộng đồng, sức khoẻ cộng đồng, an toàn và trật tự, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng, trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân, trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp,… Theo nhiều cách, việc sử dụng các thiết bị đo phải được kiểm soát theo quy định của pháp luật về đo lường một cách hợp pháp.

Cụ thể là gì, thưa ông?

Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong giao dịch kinh tế và dân sự; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.

Đo lường đã góp phần làm thay đổi nhận thức, phương thức triển khai hoạt động về đo lường ở một số bộ ngành, địa phương: Nhà nước tập trung thực hiện chức năng quản lý về đo lường còn các hoạt động đo lường khác được xã hội hóa mạnh mẽ. Tiêu biểu là hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường đã trở thành một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thu hút doanh nghiệp, người dân tích cực, chủ động tham gia đầu tư và thực hiện theo quy định của pháp luật.

Hàng năm, các tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký, được chỉ định theo quy định của pháp luật về đo lường đã thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn hàng triệu phương tiện đo, bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của đời sống (điện năng, xăng, dầu, khí, nước sạch, vàng bạc, đá quý, dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi, dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt, đường hàng không…); hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện giữa các tổ chức, cá nhân trong mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nêu trên.

Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường trực tiếp bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong quan trắc môi trường, giúp các doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất thải gây ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực y tế, trang thiết bị y tế có chức năng đo được kiểm định, hiệu chuẩn chính xác đã trực tiếp giúp bác sỹ, nhân viên y tế trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân,…

Thời gian qua, các phương tiện đo được kiểm định và các kết quả đo chính xác là căn cứ pháp lý để xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật (vi phạm về quá tải ô tô, quá tải đường bộ, hành vi gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vàng…) tăng cường sự tin tưởng của doanh nghiệp, người dân vào hiệu lực quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

Thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường đã giúp các doanh nghiệp duy trì độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả đo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành, tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như quá trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Như vậy, đo lường đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế -xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời hỗ trợ đắc lực, làm tiền đề cho việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại sao hiện nay đặt vấn đề cần phải chuyển đổi số trong đo lường pháp định, thưa ông?

Nói đơn giản, đo lường là lĩnh vực có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và liên quan mật thiết đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Hằng ngày mọi người vẫn phải đi chợ để mua thực phẩm, đổ xăng vào xe gắn máy tại các cây xăng, đi xe taxi, khám chữa bệnh, đi siêu thị và không ít người phải phân vân rằng vậy lượng hàng mua ở chợ, lượng xăng mua ở cây xăng hay gói bánh kẹo mua ở siêu thị có đủ hay không. Khi di chuyển bằng taxi ít người quan tâm rằng số tiền phải trả có tương ứng với quãng đường đã đi hay không và còn ít người quan tâm đến các chỉ số huyết áp, nhiệt độ của cơ thể có đúng không khi đi khám chữa bệnh,…

Thực tế trên chính là dùng đo lường pháp định để có sự chính xác đảm bảo công bằng cho cả người bán và người mua. Ngoài ra, như đã nói ở trên, đo lường pháp định mang lại căn cứ pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đo lường truyền thống còn có những hạn chế nhất định thì chuyển đổi số trong đo lường pháp định sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đo lường thông qua các công cụ số thông minh, phương tiện đo thông minh.

Ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Cụ thể chuyển đổi số trong đo lường pháp định cần làm những gì?

Chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ sốđể tạo mới hoặc điều chỉnh các quá trình, dịch vụ, văn hóa hiện có và trải nghiệm của khách hàng để đáp ứng những yêu cầu của kinh doanh và thị trường đang thay đổi.

Đo lường pháp định có thể tận dụng những công nghệ số (Internet vạn vận – IoT); Điện toán đám mây (i-cloud); dữ liệu lớn (Big data); Trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning), chuỗi khối (Block chain) để vượt qua rào cản, phối hợp tốt hơn các quy trình pháp luật, giảm chi phí phát triển, thời gian đưa sản phẩm và dịch vụ ra thị trường.

Trong đo lường pháp định, quá trình số hoá được thể hiện chủ yếu thông qua sáng kiến “Hệ thống Đo lường thông minh” (Ví dụ, công tơ điện thông minh, thiết bị đo thông minh) dựa trên quá trình “Số hoá Chuyển đổi năng lượng”, hệ thống đo lường phân tán và hạ tầng điện toán đám mây. Nhìn chung, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi những nỗ lực liên tục để thay đổi, điều chỉnh các quy định trong hệ thống đo lường pháp định và hạ tầng chất lượng quốc gia.

Mục đích của chuyển đổi đổi số trong đo lường là phát triển và phổ biến các yêu cầu cơ bản của hoạt động đo lường liên quan đến số hoá và chuyển đổi số trong đo lường khoa học, công nghiệp và pháp định, bao gồm: Số hoá trình bày và sử dụng thông tin đo lường; Chuyển đổi số trong hạ tầng chất lượng; Chuyển đổi số trong liên kết chuẩn; Đo lường số hoá và công nghệ số trong công nghiệp và khoa học.

Định hướng chuyển đổi số trong đo lường tập trung vào 4 vấn đề sau:

1- Chuyển đổi số dịch vụ Đo lường: nâng cấp hạ tầng chất lượng và đo lường pháp định thông qua xây dựng những khung tham chiếu, triển khai xác suất thống kê có xác thực, xây dựng cơ sở hạ tầng cho chứng chỉ hiệu chuẩn số và thiết lập đám mây đo lường phục vụ hạ tầng chất lượng số cho việc hài hòa và phát triển đánh giá sự phù hợp, kiểm soát thị trường.

2- Đo lường trong Phân tích dự liệu số lượng lớn: Khoa học đo lường trong những năm gần đây tạo ra một lượng khổng lồ thông tin với mức độ phức tạp ngày càng lớn (dữ liệu đa chiều – high-dimensional data) trong Công nghệ hình ảnh và Công nghệ photon.

3- Đo lường trong Hệ thống Thông tin phục vụ Chuyển đổi số: các đại lượng cao tần trong hệ thống thông tin 5G và điều chế tín hiệu rất phức tạp, phi tuyến tính, ngẫu nhiên và đa chiều. Những phương pháp thu phát sóng tín hiệu cần phải được mô tả chi tiết và chính xác để giảm thiểu sai số truyền tín hiệu. Đo lường các đại lượng này là tiền đề để hiệu chuẩn các đại lượng cao tần và phát triển, xây dựng hệ thống thông tin số.

4- Áo hóa đo lường (bảo gồm mô phỏng và phương tiện đo ảo): thông qua phát triển các phương pháp phân tích và quy trình đối với hệ thống đo ảo và có kết nối, việc mô phỏng hệ thống đo phức tạp (phương pháp quang hình hay đo lường tọa độ) trực tiếp phục vụ việc triển khai và phân tích dữ liệu thí nghiệm, quy trình và chuẩn đo lường cho việc tự động kiểm soát quy trình, quá trình đo ảo trong tự động đánh giá dữ liệu đo.

Vậy theo ông cần làm gì để thúc đẩy chuyển đổi số trong đo lường pháp định?

Cần phải thiết lập nền tảng cốt lõi tin cậy cho hạ tầng chất lượng quốc gia số thông qua việc kết hợp hạ tầng dữ liệu và thông tin hiện có sẽ tạo ra nền tảng phát triển đo lường pháp định trong quá trình chuyển đổi số. Cụ thể: Xây dựng các phương thức đo lường mới, tin cậy, được công nhận và tiêu chuẩn hoá; trong quá trình số hoá, cần có các từ vựng, thuật ngữ cơ bản của đo lường cụ thể hơn nữa để tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng hơn thông qua các thuật toán; xây dựng cơ sở dữ liệu số (số hoá dữ liệu, hồ sơ, thông tin,…); xây dựng phần mềm xử lý số hoá và cần có các công cụ, phương pháp mô hình linh hoạt và tinh vi cho việc quan sát đo lường, đánh giá dữ liệu đo lường.

Ý nghĩa của chuyển đổi số trong đo lường pháp định là rất lớn, theo ông ngành nghề nào cần thúc đẩy mạnh chuyển đổi số?

Cùng với xu thế chung của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, áp dụng thành quả nghiên cứu IoT (internet vạn vật), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện năng, xăng dầu, nước sạch, quan trắc môi trường, đảm bảo an toàn giao thông,… ngày càng mạnh mẽ. Bởi vậy chuyển đổi số về đo lường đối với các lĩnh vực này là yêu cầu khách quan và cần phải được ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ, Chuyển đổi số thành công có tác động tích cực sự phát triển chung của hoạt động đo lường tham gia vào sự phát triển kinh tế- xã hội, đời sống nhân dân. Ví dụ: Thông qua sử dụng công tơ điện thông minh, thiết bị quan trắc liên tục tự động kết nối mạng, dịch vụ đám mây dữ liệu đo lường thì người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước được phục vụ, cung cấp kịp thời, chính xác, thuận lợi những yêu cầu của họ.

Đối với đo lường pháp định, theo ông đâu là hạn chế cho hoạt động chuyển đổi số?

Hạn chế của chúng ta hiện nay chính là hạ tầng số còn thiếu, chưa đồng bộ; chúng ta chưa có đội ngũ chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm triẻn khai chuyển đổi số đo lường nói chung, đo lường pháp định nói riêng; chưa có chương trình, để án tổng thể xác định mục tiêu, lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp tổng thể chuyển đổi số về đo lường nói riêng và lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói chung trong giai đoạn trung, dài hạn.

Qua đó tôi có một số đề xuất: Cần chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ về đo lường của Đề án Chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; có những đầu tư thích đáng của nhà nước để tổ chức triển khai xây dựng và tổ chức duy trì hoạt động chuyển đổi số trong ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng; huy động các nguồn lực tài chính, nhân lực trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư, tài trợ kinh phí để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và thực hiện chuyển đổi số trong ngành.

Cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Đỗ Phương – Bảo Hà (thực hiện)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích