Đẩy mạnh chất lượng khám chữa bệnh song song với phòng chống dịch
Đẩy mạnh chất lượng khám chữa bệnh song song với phòng chống dịch
Trong năm 2021, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo việc nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh đối với các đơn vị y tế trong toàn ngành.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hàng năm, các bệnh viện công lập trực thuộc ngành y tế Hà Nội đã khám, chữa bệnh cho khoảng 5.000.000 – 6.500.000 lượt người. Tổng số lượt bệnh nhân điều trị nội trú hàng năm gần 600.000 lượt người. Các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến thành phố với 27 chuyên khoa đầu ngành triển khai nhiều kỹ thuật cao, dịch vụ chất lượng được áp dụng hiệu quả và trở thành các kỹ thuật thường quy. Một số bệnh viện đã chủ động đi đầu ứng dụng phát triển các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Ngành y tế Hà Nội tiếp tục khẳng định thế mạnh trên các lĩnh vực: sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu, phẫu thuật tạo hình, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng;… Đẩy mạnh hợp tác trao đổi chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Điển hình như Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến: nội soi một lỗ không sẹo với nang ống mật chủ trẻ em; phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu cắt đại – trực tràng trong điều trị ung thư; điều trị rò hậu môn bằng phương pháp nội soi lỗ rò; kỹ thuật TEM; điều trị thoát vị đĩa đệm thoái hóa khớp bằng ozon,…
Trung tâm Cấp cứu 115 hằng ngày bố trí 14 kíp cấp cứu thường trực 24/24 giờ tại 5 trạm cấp cứu sẵn sàng đáp ứng cấp cứu trước bệnh viện của người bệnh trên địa bàn thành phố. Đảm bảo hoạt động tại 17 phòng khám A thuộc các bệnh viện công lập của thành phố.
Để đáp ứng công tác điều trị cho người mắc Covid-19, Sở Y tế Hà Nội thực hiện phân tuyến điều trị Covid-19 với 5 bệnh viện thu nhận điều trị người bệnh gồm: Bệnh viện Bắc Thăng Long: 230 giường; đa khoa Đức Giang: 150 giường; Thanh Nhàn: 200 giường; đa khoa Hà Đông: 140 giường và Bệnh viện đa khoa Đống đa 80 giường bệnh. Các bệnh viện còn lại trong ngành đã bố trí phân luồng, sàng lọc và bố trí khu vực cách ly từ 20-30 giường bệnh. Đồng thời, thực hiện phân luồng, sàng lọc, cách ly tại các bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đảm bảo các trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế tại các vị trí làm việc.
Ngoài ra, nhiều bệnh viện đã triển khai liên thông kết quả xét nghiệm từ ngày 1/1/2018 như: Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; đa khoa Hà Đông; đa khoa Đức Giang; đa khoa Thanh Nhàn; Phụ sản Hà Nội; Tâm thần Hà Nội; Tim Hà Nội cơ sở 1; Ung bướu Hà Nội, mang lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh./.
PV(T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị