Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động mang tính ngành nghề

Ngày 29/8, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 – 2025. Dự Hội nghị có: Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh; Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Đặng Hoàng Anh; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Phạm Quốc Toản.

Các nhiệm vụ trọng tâm được triển khai thực hiện hiệu quả

Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm học 2023 – 2024, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam cho biết: Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 2.913 trường mầm non, phổ thông với gần 130 nghìn giáo viên và gần 2,3 triệu học sinh. Trình độ đội ngũ giáo viên đứng lớp các cấp học 100% đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ. Tổng số Công đoàn cơ sở trực thuộc là 199 đơn vị (129 đơn vị công lập và 70 đơn vị ngoài công lập) với 12.612 đoàn viên (9.186 đoàn viên nữ).

Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động mang tính ngành nghề
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cùng Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Đặng Hoàng Anh trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho 18 cá nhân.

Năm học 2023 – 2024, các nhiệm vụ trọng tâm được Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội triển khai thực hiện hiệu quả. Theo đó, Công đoàn ngành tập trung đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo hoạt động; nắm chắc tình hình, có nhiều giải pháp thiết thực, tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch công tác. Hoạt động công đoàn linh hoạt, kịp thời và phù hợp. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) được quan tâm, chăm lo và cải thiện hơn.

Công đoàn các cấp thường xuyên phối hợp với chuyên môn tham mưu, đề xuất với cơ quan chức năng ban hành chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý; tập trung vào chế độ của giáo viên mầm non, an toàn vệ sinh lao động trong các trường học, chế độ khen thưởng, chế độ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tích cực giám sát việc thực hiện chế độ chính sách, các quy định đối với CBGVNV; kiến nghị với chính quyền đồng cấp giải quyết các chế độ như khen thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích CBGVNV đã được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế của đơn vị, trường học. Công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật Lao động, Luật Công đoàn…

Nền nếp, kỷ cương trong các đơn vị, trường học được tăng cường. Đội ngũ CBGVNV có ý thức, trách nhiệm cao hơn trong xây dựng các tập thể nhà trường vững mạnh, dân chủ, đoàn kết và đổi mới.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động mang tính ngành nghề
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh trao Cờ thi đua của Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ thành phố Hà Nội cho các tập thể.

Cũng trong năm học 2023 – 2024, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của Thủ đô và đất nước. Việc tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Hà Nội mà nổi bật phong trào “Xây dựng trường học hạnh phúc”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” được các đơn vị tích cực hưởng ứng; từ đó tổ chức thành công Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” lần thứ 7 năm 2023, triển khai Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024, cuộc thi “Thầy cô trong mắt em”…

Công đoàn các cấp đã phối hợp với chính quyền tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch; từng bước đổi mới, chủ động chỉ đạo tổ chức hiệu quả các hoạt động phù hợp với điều kiện mỗi cơ sở giáo dục. Hoạt động cụm Công đoàn ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả. Nhiều đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn. Tăng cường giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, công tác phối hợp công đoàn với chuyên môn tốt góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương và toàn ngành.

Công tác Nữ công có nhiều đổi mới. Công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Nhiều hoạt động do Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức đã có sức lan tỏa trong hệ thống Công đoàn Giáo dục các cấp cũng như trong xã hội, có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp đổi mới của tổ chức Công đoàn và của ngành GD&ĐT Thủ đô; củng cố và nâng cao vị thế của Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động mang tính ngành nghề
Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Đặng Hoàng Anh cùng Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản trao Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho các tập thể, cá nhân.

Các chỉ tiêu LĐLĐ Thành phố giao năm 2024 như: Phát triển đoàn viên, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, biên bản đối thoại, thu kinh phí công đoàn, mở tài khoản ngân hàng, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đều đạt và vượt chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2024.

Mặc dù vậy, theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, hoạt động của Công đoàn ngành trong năm học 2023 – 2024 cũng đứng trước không ít khó khăn, tồn tại cần khắc phục như: Ở một số ít đơn vị, Công đoàn chưa chủ động đổi mới, chưa linh hoạt, nhạy bén; việc nắm tình hình, phát hiện vấn đề và phối hợp giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho CBGVNV còn chưa kịp thời; công tác phối hợp giữa Công đoàn cơ sở và chuyên môn cùng cấp ở một số đơn vị chưa chặt chẽ…

Tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Tại Hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh đã ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các cấp Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đạt được trong năm học 2023 – 2024. Mặc dù còn gặp một số khó khăn nhưng các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học đã được tổ chức triển khai một cách hiệu quả, phù hợp, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Các cấp Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã phối hợp với chính quyền đồng cấp triển khai hiệu quả công tác chăm lo cho CBGVNV có hoàn cảnh khó khăn, diện chính sách; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động mang tính ngành nghề…

Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động mang tính ngành nghề
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Trong năm học mới, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố đề nghị Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền để nhà giáo, người lao động trong ngành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố, đặc biệt là các chủ trương đổi mới giáo dục của ngành; gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động ở đơn vị, địa phương nơi cư trú.

Thứ hai, tiếp tục phối hợp, làm tốt chức năng chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CBGVNV; nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn cơ sở để thực hiện tốt chức năng đối thoại, thương lượng, phối hợp; tiếp tục làm tốt công tác xã hội, nhân đạo, ủng hộ, giúp đỡ các giáo viên khó khăn.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp và có giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động mang tính ngành nghề
Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Đặng Hoàng Anh cùng Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam trao Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho các cá nhân.

Thứ tư, tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động trong ngành; đẩy mạnh tuyên truyền các gương người tốt, việc tốt; tham mưu công tác sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng, tạo động lực để các nhà giáo phát huy lòng yêu nghề, mến trẻ, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Thứ năm, tiếp tục làm công tác phối hợp để các hoạt động công đoàn mang tính ngành nghề được triển khai sâu rộng, hiệu quả, tác động tích cực đến đội ngũ nhà giáo, hoạt động giáo dục các nhà trường và toàn ngành.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản đề nghị Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội khắc phục những hạn chế khó khăn, tập trung chỉ đạo Công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền thực hiện tốt vai trò giám sát, chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ nhằm xây dựng tinh thần đoàn kết, nhất trí, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao năng lực ứng xử, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo để xây dựng “Trường học hạnh phúc”, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay…

T.P

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích