Đầu tư công sẽ là một động lực then chốt giúp tăng trưởng kinh tế
Đầu tư công sẽ là một động lực then chốt, giúp thúc đẩy tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024; cũng như thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên khác.
Tàu điện Metro Nhổn-Ga Hà Nội chạy qua ngã tư Phạm Hùng-Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Suy thoái kinh tế thế giới vẫn tiếp diễn trầm trọng, đang tác động mạnh mẽ khiến nhu cầu toàn cầu sụt giảm. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới nhiều quốc gia; trong đó, đặc biệt là với những nền kinh tế dựa vào lợi thế xuất khẩu như Việt Nam.
Theo tính toán của nhiều chuyên gia, năm 2023, tăng trưởng công nghiệp có thể giảm thấp nhưng dự kiến sản lượng nông nghiệp có thể tăng nhẹ.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết với chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những khó khăn chung hiện nay như suy thoái kinh tế thế giới, căng thằng địa chính trị toàn cầu…
Từ những phân tích trên, đại diện phía ADB dự báo, trong cả năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,5% và tăng lên 6,8% trong năm 2024.
Đầu tư công sẽ là một động lực then chốt, giúp thúc đẩy tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024; cũng như thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan khác.
Cùng với việc nhanh chóng chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ trong tháng 3 năm nay, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng mang lại tác động đa chiều, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Đại dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2021 đã làm bộc lộ những vấn đề mang tính cơ cấu và cũng là những thách thức chính với nền kinh tế Việt Nam. Thị trường vốn trong nước đang chịu áp lực.
Mặc dù sự bất ổn của thị trường vẫn chưa ảnh hưởng tới hệ thống do khả năng chống chịu của các ngân hàng vẫn tốt, song rủi ro ngày càng hiện hữu.
Về dài hạn, cần duy trì cải cách lĩnh vực tài chính để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nguồn vốn ngân hàng và nâng cao tính minh bạch trên thị trường vốn, ông Andrew ghi nhận.
Thận trọng hơn ADB, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Carolyn Turk, Giám đốc WB cho hay, không như nhiều quốc gia khác, Việt Nam vẫn còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Việc thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả.
Phía WB dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2023 có thể ở mức 6,3%, sau khi đạt mốc cao 8% vào năm 2022. Sụt giảm này là do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất tăng ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình.
Tuy nhiên, tăng trưởng dự kiến sẽ lên 6,5% vào năm 2024 khi các nền kinh tế đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi.
Theo đại diện WB, khó khăn ở trong nước và nước ngoài đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách ứng phó thận trọng và dựa vào bằng chứng, dữ liệu, theo nội dung báo cáo; trong đó, bao gồm quản lý chặt liên hệ giữa tăng trưởng và lạm phát; đồng thời, giám sát chặt chẽ khu vực tài chính.
Những thuận lợi cho việc phục hồi tốc độ tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ diễn ra nhanh hơn dự kiến, giúp thúc đẩy tình hình xuất khẩu và nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế cũng nhờ đó được tăng theo.
Đổi mới sáng tạo là lĩnh vực dịch vụ giàu hàm lượng tri thức có thể đạt kim ngạch xuất khẩu triển vọng. Mặc dù, chỉ chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và đóng góp 6,4% việc làm trong toàn khu vực dịch vụ, bao gồm cả công nghệ thông tin và truyền thông, tài chính và dịch vụ hành nghề chuyên môn… nhưng đây lại là những lĩnh vực dịch vụ có năng suất cao nhất trong nền kinh tế.
Đại diện WB khuyến nghị, cần có những chính sách và hành động phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ, gỡ bỏ những rào cản về thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ lệ áp dụng công nghệ thấp, khắc phục tình trạng thiếu kết nối với các ngành, lĩnh vực khác… sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tăng trưởng của khu vực này.
Chuyên gia của WB khuyến nghị, việc cần làm trước nhất là xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ về đổi mới sáng tạo; triển khai những chương trình cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh; cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.
Chính phủ cùng các cấp, ngành nên khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình; tập trung tăng cường năng lực và kỹ năng cho người lao động và cán bộ quản lý; đồng thời, tập trung nhiều hơn vào việc nâng chất lượng dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như chế biến, chế tạo…./.
Nguồn: Báo xây dựng