Đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân
87,96 triệu người tham gia bảo hiểm y tế
Theo Báo cáo của Chính phủ, tính đến 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%.
Năm 2020, cả nước có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019, trong đó số lượt khám chữa bệnh nội trú giảm khoảng 11%, ngoại trú giảm khoảng 9% nhưng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ giảm khoảng 2% so với năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, năng lực y tế cơ sở được nâng lên; phát huy vai trò quan trọng trong giám sát, xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị, nhất là quản lý, chăm sóc F0 tại nhà giúp giảm bệnh nặng, góp phần giảm tử vong. Năm 2020, tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt 92,8%; thực hiện trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã đạt 48,8%; đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 94,4%.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận về quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế. |
Đồng thời, tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; kết quả tỷ lệ người bệnh hài lòng tăng qua từng năm. Năm 2019 tỷ lệ người bệnh hài lòng là 83%, đến năm 2020 là 84,6%…
“Chúng tôi coi bảo hiểm y tế là một vấn đề trụ cột trong lưới an sinh xã hội. Bộ Y tế sẽ báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội luật để sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng tất cả người dân được tiếp cận với bảo hiểm y tế. Như vậy, chúng ta sẽ bảo đảm được tính bền vững”, Bộ trưởng Y tế nói.
Thảo luận tại tổ 10, đa số các đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, cần có thêm giải pháp hữu hiệu để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng, đối với bảo hiểm y tế, hiện nay, một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế lại không tham gia dẫn đến tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế còn thấp. Ngoài ra, sự cân đối hay việc chi bảo hiểm y tế cho công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa được nâng cao, chất lượng khám chữa bệnh ở các vùng miền còn có sự chênh lệch.
Để thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu cho rằng, Bộ Y tế cần phối hợp với các Bộ, ngành có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong việc thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao và đầu tư hơn cho công tác khám chữa bệnh; cơ quan bảo hiểm y tế cần tăng cường kết nối thông tin, tuyên truyền…
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, nên đa dạng hóa mệnh giá đóng bảo hiểm y tế để người dân có thể lựa chọn. Riêng với đối tượng là học sinh, sinh viên, Nhà nước cần nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50%. Theo đại biểu, để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính để tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, bởi đây là giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà phát biểu thảo luận tại tổ |
Tăng cường giám sát việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế
Thảo luận tại tổ 3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất đề xuất của Ủy ban Xã hội về việc đưa vào Nghị quyết Kỳ họp lần này hoặc Nghị quyết về kinh tế – xã hội giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ như đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước và người dân.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phải rõ hơn. Cụ thể hơn là đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng mệnh giá bảo hiểm y tế vì hiện nay, mức đóng bảo hiểm y tế của nước ta còn thấp trong khi danh mục được hưởng lại rộng hơn, nhiều hơn so với một số nước. Nếu tăng mức đóng thì khả năng chi trả của người dân và mức đóng của Nhà nước mua bảo hiểm y tế cho đối tượng người nghèo, người có công… cũng sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, phải tăng mệnh giá bảo hiểm y tế lên thì mới có điều kiện thực hiện sớm lộ trình giá dịch vụ y tế và thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao tính tự chủ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Đây là vấn đề xã hội quan trọng, do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dù ngân sách khó khăn, chúng ta cũng phải cố gắng tiết kiệm các khoản chi tiêu khác để thực hiện…
Trong Báo cáo, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế, thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nợ tiền đóng, chậm đóng, trốn đóng, lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế để đảm bảo trong tổ chức thực hiện tuân thủ đúng quy định của Luật bảo hiểm y tế.
Đồng thời, cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19, bao gồm cả chi phí khám chữa bệnh Covid-19 và các bệnh nền…
Nguồn: Báo lao động thủ đô