Đấu thầu trong giáo dục: Thực trạng và giải pháp để hạn chế việc nâng khống giá thiết bị
Thực trạng đấu thầu tại Sở GDĐT Cao Bằng
Theo dữ liệu, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Sơn Tùng (Công ty Sơn Tùng), đại diện pháp luật là bà Nông Thị Cúc, có trụ sở tại số nhà 085, 087, tổ 31 phố Kim Đồng, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Công ty Sơn Tùng đã trúng hàng chục gói thầu tại các đơn vị trong tỉnh như Kho bạc Nhà nước Cao Bằng, Cục Thuế tỉnh Cao Bằng…Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Sơn Tùng tham gia 43 gói thầu, trong đó đã trúng thầu 37 gói, trượt thầu 2 gói, 4 gói chưa có kết quả. Cụ thể, tại Kho bạc Nhà nước Cao Bằng, nhà thầu này tham gia vào 11 gói thầu, trong đó đã trúng thầu cả 11 gói, còn tại Cục Thuế tỉnh Cao Bằng, nhà thầu đã trúng thầu 3 gói, trượt thầu 0 gói, 1 gói chưa có kết quả…
Chỉ số tiết kiệm thấp
Theo dữ liệu, Công ty Sơn Tùng trúng nhiều gói thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng (GD&ĐT) với tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu thấp.
Theo Quyết định số 370/QĐ-SGD&ĐT ngày 28/7/2021, ông Vũ Văn Dương- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: “Mua sắm thiết bị trình chiếu, thiết bị văn phòng các cơ sở giáo dục năm 2021”. Theo đó Công ty Sơn Tùng được phê duyệt trúng thầu với giá 7.201.100.000 đồng, giá gói thầu là 8.016.382.000 đồng. Gói thầu này chỉ duy nhất Công ty Sơn Tùng dự thầu và nghiễm nhiên được phê duyệt trúng thầu.
Trước đó còn nhiều gói thầu có thể kể đến như: năm 2020 tại gói thầu mua sắm bổ sung trang thiết bị trường học cho các sở giáo dục năm 2019, Công ty Sơn Tùng cũng vượt qua các đối thủ khác khi trúng thầu với giá 3.174.520.000 đồng. Đáng nói giá gói thầu cũng là 3.174.520.000 đồng, tiết kiệm ngân sách bằng 0.
Quyết định phê duyệt trúng thầu do ông Vũ Văn Dương- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng ký.
Cũng trong năm 2020, tại gói thầu mua sắm trang thiết bị khu nội trú học sinh, nhà hội đồng, thiết bị phòng học cho các cơ sở giáo dục năm 2020, Công ty Sơn Tùng cũng là nhà thầu trúng với giá 7.657.390.000 đồng, giá gói thầu 7.661.350.000 đồng theo Quyết định số 172/QĐ-SGD&ĐT ngày 6/5/2020. Tính ra tiết kiệm ngân sách chưa nổi 4 triệu đồng cho gói thầu hơn 7,6 tỷ đồng.
Trước đó năm 2019 tại gói thầu mua thiết bị phòng học cho các trường phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú năm 2021, Công ty Sơn Tùng cũng được phê duyệt trúng thầu với giá 4.127.690.000 đồng (giá gói thầu 4.130.740.000 đồng) theo quyết định số 505/QĐ-SGD&ĐT ngày 10/06/2019 do ông Vũ Văn Dương, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng ký. Tiết kiệm ngân sách chưa đến 3 triệu đồng, con số quá nhỏ bé so với giá trị của gói thầu.
Năm 2018 tại gói thầu Mua thiết bị nhà hội đồng cho 4 trường phổ thông, Công ty Sơn Tùng cũng được phê duyệt trúng thầu với giá 1.393.240.000 đồng theo Quyết định số 700/QĐ-SGD&ĐT ngày 27/8/2018. Giá gói thầu là 1.395.240.000 đồng. Tính ra mức tiết kiệm ngân sách cực thấp chỉ 2 triệu đồng ở gói thầu hơn 1,3 tỷ đồng.
Giá khác nhau tại các gói thầu
Tại “Gói thầu: Mua sắm thiết bị trình chiếu, thiết bị văn phòng cho các cơ sở giáo dục năm 2021” giá gói thầu là: 8.016.382.000 đồng và giá Công ty Sơn Tùng giá trúng thầu là: 7.201.100.000 đồng. Thoạt nhìn thì có thể thấy, con số tiết kiệm sau đấu thầu khá khả quan khi lên đến: 815.282.000 đồng. Tuy nhiên, khi so sánh giá trang thiết bị có cùng thông số kỹ thuật với các chủ đầu tư khác chênh lệch rất lớn.
Giá sản phẩm trong gói thầu mà Công ty Sơn Tùng trúng thầu.
Theo đó, cùng nhãn hiệu hàng hóa, cùng cấu hình, cùng xuất xứ, nhưng máy chiếu tại gói thầu mua sắm do Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng làm bên mời thầu đã cao hơn giá mua sắm tập trung tại Bộ Công an, hay Sở Tài chính tỉnh Thái Bình.
Theo đó, gói thầu tại Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng mà Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Sơn Tùng trúng thầu có giá bộ máy chiếu NEC NP-MC372XG và màn chiếu, giá treo, phụ kiện lên đến 34.400.000 đồng (có giá trúng thầu là 31.200.000 đồng và nếu tính cả giá màn chiều 3.200.000 đồng nữa thì bộ máy chiếu có giá là 34.400.000 đồng). Tuy nhiên, cùng model thông số kỹ thuật nhưng giá trúng thầu tại gói thầu mua sắm tập trung do Bộ Công an làm chủ đầu tư chỉ có 24.065.000 đồng và đã bao gồm màn chiếu P84ES (giá thị trường khoảng 2.000.000 đồng). Với số lượng 88 máy trong một gói thầu (tính thêm cả màn chiếu), thì so với giá mua sắm tập trung tại Bộ Công an, ngân sách đã chênh lệch lên tới gần 1 tỷ đồng.
So sánh sang “Gói thầu mua sắm tập trung máy móc, thiết bị văn phòng đợt 1 năm 2020” của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính – Sở tài chính Thái Bình thì giá thiết bị máy chiếu đa năng NEC NP-MC372XG qua trúng thầu là 25.500.000 đồng. Qua tính toán, ngân sách đã chênh lệch hơn 500.000.000 đồng.
Trong gói thầu nêu trên còn có, giá máy Photocopy Fuji Xerox Apeosport 2560 CPS, có giá trúng thầu là 63.500.000 đồng; tuy nhiên, cùng thông số kỹ thuật, giá trên thị trường của thiết bị này chỉ dao động từ 49.000.000 đồng đến 58.000.000 đồng (căn cứ vào bảo hành). Với số lượng 32 máy, thì con số chênh lệch về giá so với thị trường cũng không hề nhỏ.
Bộ máy chiếu, màn chiếu tại gói thầu mua sắm của Bộ Công an chỉ có giá 24.065.000 đồng. So với giá mua sắm tại Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng, ngân sách đã chênh lệch lên tới gần 1 tỷ đồng.
So sánh sang “Gói thầu mua sắm tập trung máy móc, thiết bị văn phòng đợt 1 năm 2020” của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính – Sở tài chính Thái Bình đối với giá máy chiếu cùng chủng loại thì giá chênh hơn 500 triệu đồng.
Cũng trong gói thầu nêu trên, giá tủ sắt 4 cánh 4 khóa CA-3A-S, có giá trúng thầu là 4.480.000 đồng, tuy nhiên, cùng thông số kỹ thuật, giá thị trường chỉ dao động từ 2.900.000 đồng đến 3.300.000 đồng. Với số lượng 92 tủ, thì con số chênh lệch về giá cũng lên tới trăm triệu đồng.
Máy Photocopy Fuji Xerox Apeosport 2560 trên thị trường có giá 49.500 triệu đồng. Trong khi, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Sơn Tùng trúng thầu với giá là 63.500.000 đồng.
Cùng với đó, ngoài việc bị phản ánh giá trang thiết bị trong hồ sơ mời thầu cao bất thường, Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng còn vi phạm Khoản 1, Điều 9 của Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Tài chính. Theo đó, trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày có văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu phải tự đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Tại gói thầu này, mặc dù ông Vũ Văn Dương – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng đã kí Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu từ ngày 28/7/2021, nhưng đến ngày 23/8/2021 (chậm gần 1 tháng so với quy định), phía bên mời thầu mới đăng kết quả lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Nhiều Giám đốc Sở GD&ĐT bị khởi tố vì thông thầu
Mới đây nhất, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên – ông Nguyễn Văn Kiên bị khởi tố. Trường hợp ông Nguyễn Văn Kiên không phải là Giám đốc Sở GD&ĐT tạo đầu tiên bị bắt trong năm nay do thông thầu.
Theo đó, ngày 23/9, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với các bị can đối với Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên và 5 cán bộ có liên quan về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Kiên cùng 3 cán bộ dưới quyền và 2 giám đốc doanh nghiệp.
Căn cứ kết quả điều tra, xác minh và hồ sơ tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT xác định, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên (nhà thầu) và Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE, Công ty TNHH tư vấn xây dựng T&C, Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu để cho Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên trúng 2 gói thầu cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Ngày 16/7, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Bà Phạm Thị Hằng khi còn Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của nhiều gối thầu có trị giá nhiều chục tỷ đồng.
Sau khi các trang thiết bị này được trang bị cho các trường học thì chỉ trong một thời gian ngắn đã hư hỏng. Gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Trước đó, ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 9 bị can trong đó có Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Hà Huy Long, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tài chính…
Hai lỗ hổng lớn…?
Trong tất cả các vụ án liên quan đến mua sắm nói trên, dù bằng hình thức chỉ định thầu, đấu thầu hay mua sắm trực tiếp… chúng ta đều thấy có 1 điểm chung là: giá của các thiết bị đôn lên rất cao so với thực tế giá thị trường. Chính điều này đã làm tăng chi phí các gói thầu mua sắm thiết bị, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và phụ huynh học sinh…
Theo các chuyên gia, việc “thổi giá” so với giá trị thực là có sự câu kết chặt chẽ giữa cán bộ của các bên mời thầu và “nhiều doanh nghiệp” khác nhau, trong đó đặc biệt là với các doanh nghiệp thẩm định giá.
Vấn đề đặt ra là vì sao trong các vụ án này, các đối tượng lại có thể dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng để “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực thiết bị?
Đọc lại nội dung Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 cho thấy pháp luật đã trao quyền cho DN có chức năng thẩm định giá quá lớn: Được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá…
Tuy nhiên, lại quá dễ dãi khi không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định; hoặc hỗ trợ tạo điều kiện cho thẩm định viên hoạt động độc lập về chuyên môn, không chịu sự chi phối hay sức ép bất cứ từ bên nào ? Muốn định giá cao thì thẩm định viên tô hồng tài sản, thay đổi số liệu để định giá cao tài sản đó, còn nếu muốn định giá thấp thì phớt lờ các lợi thế của tài sản như: thương hiệu, giấy phép… ? Chỉ đến khi vụ việc bị cáo giác, Thanh tra, Kiểm toán nhà nước vào cuộc thì dư luận, cơ quan chủ quản mới biết số liệu, kết quả thẩm định giá là… “khống”.
Bên cạnh đó, quy định về đấu thầu cũng có nhiều bất cập dẫn đến hình thức “chỉ định thầu” bị lợi dụng triệt để trong các vụ mua sắm thiết bị. Theo đó, có thể thấy hình thức chỉ định thầu là một trong 06 hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2013. Do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến.
Thay lời kết
Từ những vụ án trên cho thấy công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng. Hai kẽ hở lớn nhất, đó là: Quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, cho phép chỉ định thầu trong một số trường hợp như: Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách… hay chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; và quy định thẩm định viên được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá… (Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012) nhưng lại không có cơ chế hậu kiểm hoặc chịu giám sát, kiểm tra của bất kỳ cơ quan nào. Khiến chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu.
Vì vậy để ngăn chặn hành vi “thổi giá” nâng khống thiết bị xảy ra trong tương lai cần sớm bịt lại các kẽ hở về chỉ định thầu và thẩm định giá. Theo đó, cần phải cân nhắc những nội dung bất cập trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013.
Cùng với đó, xem xét sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật làm hạn chế sự lạm quyền của thẩm định viên và các tổ chức hoạt động về thẩm định giá theo hướng muốn “lách” cũng không có “cửa”; bổ sung quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm… Đặc biệt xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có hành vi thông đồng, nâng khống, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Nguồn: hoanhap.vn