Đâu là thời điểm tăng trưởng phân khúc chung cư dành cho nhu cầu ở thực?

(Xây dựng) – Trong nửa đầu năm 2024, thị trường bất động sản (BĐS) đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, đặc biệt, phân khúc chung cư là mảng có sự phục hồi mạnh mẽ nhất với số lượng tìm kiếm và giao dịch đã tăng đáng kể, doanh số bán hàng cải thiện rõ rệt qua từng quý. Đây cũng là thời điểm được cho là tăng trưởng đối với phân khúc chung cư dành cho nhu cầu ở thực.

Đâu là thời điểm tăng trưởng phân khúc chung cư dành cho nhu cầu ở thực?
Ảnh minh họa.

Hà Nội: Chung cư tăng trưởng mạnh

Theo ghi nhận của Indochina Capital, thị trường căn hộ tại Hà Nội đã đạt gần 10.400 giao dịch trong nửa đầu năm 2024, tăng 101% so với cùng kỳ năm trước và vượt qua tổng số giao dịch của cả năm 2023. Tuy nhiên, các yếu tố ngoại cảnh về nhân khẩu học (gia tăng dân số tự nhiên, đô thị hóa mạnh mẽ…) và thị trường khan hiếm nguồn cung, đã đẩy giá bán chung cư Hà Nội lên cột mốc mới. Nhu cầu mua bán tập trung chủ yếu ở phân khúc trung cấp đến cao cấp, với sự phát triển mạnh mẽ tại các khu đỏ thị tích hợp phía Đông và Tây thành phố.

Tổng nguồn cung sơ cấp đạt 10.317 căn, giảm 20% so với quý trước và 49% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lượng cung mới chỉ đạt 2.697 căn, giảm 34% so với quý trước và 24% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, căn hộ trung cấp chiếm tỷ trọng lớn nhất với 98%, trong khi phân khúc cao cấp chỉ chiếm 2%…

Thời điểm dành cho người có nhu cầu ở thực

Chia sẻ về diễn biến và triển vọng của thị trường BĐS chung cư Hà Nội năm 2024, ông Michael Piro, Tổng Giám đốc Indochina Capital nhận định, yếu tố đầu tiên là nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá cả tăng mạnh. Nguồn cung và nhu cầu kết hợp dẫn tới hoạt động thị trường và mặt bằng giá cả. Việc mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp, cộng với nguồn cung giảm đã khiến giá chung cư tăng mạnh.

Một yếu tố khác thúc đẩy thị trường địa ốc là mặt bằng lãi suất thấp. Tổng Giám đốc Indochina Capital cho rằng, thị trường BĐS đang trong giai đoạn mà lãi suất gần như ở mức thấp nhất lịch sử. Các khoản vay mua nhà cũng hấp dẫn khi người dân có thể vay 80% giá trị căn hộ, thời hạn từ 30 – 35 năm. Lãi suất 6% cố định trong năm đầu tiên, cố định 6 – 7% trong 2 năm đầu và thả nổi trong các năm tiếp theo với mức ưu đãi.

Ông Michael Piro cũng cho rằng, thị trường còn được kỳ vọng thúc đẩy bởi xu hướng mua nhà ở thực. Trước đây có hiện tượng những người bán hàng nhỏ lẻ, lái xe… có thể xuống tiền đặt cọc mua nhà, là thời điểm thị trường có hoạt động đầu cơ tăng mạnh, thị trường biến động lớn khi có những pha tăng mạnh/giảm nhanh. Còn hiện tại, cầu mua nhà đến từ những người dân muốn ở thực. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo sự bền vững của thị trường tương đối ổn định. Thống kê từ Indochina Capital cho thấy Hà Nội mỗi năm cần cung cấp 75.000 căn hộ để đảm bảo nhu cầu nhà ở.

Triển vọng phân khúc căn hộ cuối năm

Các chuyên gia nhận định, phân khúc căn hộ trung cấp vẫn đóng góp tỷ trọng đáng kể vào nguồn cung, dự báo cung cấp ra thị trường 13.460 căn hộ từ 8 dự án mới và các giai đoạn tiếp theo của hai khu đô thị tích hợp phía Tây vào những tháng cuối năm 2024.

Trong đó, sự phát triển mạnh mẽ của các dự án cơ sở hạ tầng tại Hà Nội và tuyến metro, cùng với Luật Đất đai mới được ban hành từ đầu tháng 8/2024 sẽ tiếp đà cho thị trường BĐS phục hồi trong thời gian tới với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 20 – 30%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn HDMon cho biết, thị trường BĐS năm 2024 có nhiều chuyển biến rõ rệt hơn so với những năm trước. Luật Kinh doanh BĐS 2023 được Quốc hội thông qua sẽ giúp thị trường trở nên minh bạch, rõ ràng hơn và nhiều cơ hội hơn nhưng cũng sẽ đem đến nhiều thách thức.

Trong khi đó, nhu cầu nhà ở tại Việt Nam rất lớn. Tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, dân số trẻ, bất kỳ ai cũng có mong muốn được sở hữu một căn nhà để an cư lạc nghiệp. Từ cuối năm 2019, sau đại dịch Covid-19 là khủng hoảng về kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn. Niềm tin về thị trường sụt giảm và nguồn vốn tiếp cận từ các ngân hàng còn khó khăn. Đặc biệt, thủ tục pháp lý của các dự án kéo dài, khiến doanh nghiệp BĐS mệt mỏi.

Tuy nhiên, với những nỗ lực thúc đẩy, hỗ trợ, tháo gỡ quyết liệt của Chính phủ thì đã mang lại niềm tin lớn cho doanh nghiệp BĐS trong đó có Tập đoàn HDMon. Chính vì điều đó mà Tập đoàn quyết tâm tiếp tục phát triển và mang đến cho thị trường những sản phẩm mới, tốt, góp một phần nhỏ trong công cuộc phát triển của đất nước.

Còn theo ông Michael Piro, Tổng Giám đốc Indochina Capital, một yếu tố hỗ trợ nhu cầu nhà ở tăng cao là xu hướng mua để cho thuê. Thị trường căn hộ dịch vụ ở Việt Nam có giá thuê tăng ổn định, tỷ lệ lấp đầy cao. Với 9.000 giấy phép cấp mới cho chuyên gia nước ngoài qua Việt Nam làm việc (đó là còn chưa kể những người nước ngoài sang làm việc ngắn hạn mà không cần giấy phép lao động), cùng với sự tăng trưởng của dòng vốn FDI (nửa đầu năm 2024, FDI đăng ký đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,1%), nhu cầu thuê nhà của người nước ngoài ở Việt Nam là rất lớn. Từ đó thu hút dòng vốn mua để cho thuê dự án, đặc biệt căn hộ có tiêu chuẩn quốc tế phù hợp nhu cầu chuyên gia nước ngoài.

Đặc biệt, việc ban hành Luật mới được kỳ vọng mang lại lợi ích cho người mua nhà khi nới lỏng quy định sở hữu và kinh doanh BĐS cho Việt Kiều; thanh toán giao dịch bắt buộc qua ngân hàng giúp cải thiện tính minh bạch; hạn chế đầu tư khi cá nhân kinh doanh BĐS không giao dịch quá 10 hợp đồng một năm; giới hạn mức tiền đặt cọc 5% để bảo vệ người mua nhà…

Cuối cùng, đó là sự trỗi dậy của xu hướng phát triển dự án gắn với giao thông công cộng. Chính phủ đang ưu tiên phát triển hạ tầng tại Hà Nội nơi nhiều dự án được hoàn thành vào năm 2204 và những năm tới. Đây chính là cơ hội để các dự án BĐS, đặc biệt là dự án nhà ở, căn hộ, trở thành dự án transit-oriented Developments, tạm hiểu là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư, phù hợp với những thành phố lớn…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích