Dầu gội thương hiệu Tinh Nhiên quảng cáo, bán hàng trên website chưa đăng ký Bộ Công Thương

Trước đó, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đăng tải bài viết “Loạt dầu gội thương hiệu thảo mộc Tinh Nhiên quảng cáo sai công dụng?”. Nội dung bài viết thể hiện nhiều sản phẩm mang thương hiệu này giới thiệu được chiết xuất từ gừng, sả… quảng cáo có công dụng trị nấm, kháng viêm, diệt khuẩn.

Tuy nhiên, theo Điều 4, Nghị định 181/2013/NĐ-Cp ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo: Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp các tài liệu sau đây: Phiếu Công bố mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược; Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có). Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Theo Điều 21, Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 quy định về quản lý mỹ phẩm: “Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của ASEAN”.

Theo hướng dẫn ASEAN về cách nêu công dụng của mỹ phẩm: “Nguyên tắc chung là sản phẩm mỹ phẩm chỉ được nêu những công dụng có lợi như một mỹ phẩm, chứ không phải là công dụng có lợi về y học hay điều trị”.

Tiếp tục tìm hiểu, PV nhận thấy các sản phẩm dầu gội tinh nhiên không chỉ quảng cáo sai công dụng mà trang website https://myphamtinhnhien.vn/ chưa đăng ký với Bộ Công Thương nhưng đã đăng bán các sản phẩm dầu gội thảo mộc gừng sả Tinh Nhiên, dầu gội thảo mộc bồ kết, dầu gội Hà Thủ Ô… Bán hàng trên website khi chưa đăng ký với Bộ Công Thương khiến người tiêu dùng lo ngại về chất lượng sản phẩm dầu gội Tinh Nhiên có đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng không?

Dầu gội thương hiệu Tinh Nhiên quảng cáo, bán hàng trên website chưa đăng ký Bộ Công Thương.

Đối chiếu quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT, cá nhân, tổ chức lập website để kinh doanh phải có trách nhiệm thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử www.online.gov.vn.

Trường hợp cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương không tuân thủ việc đăng ký sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể được quy định tại Điều 81 Nghị định này. Theo đó, mức phạt cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Không thông báo sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định.

Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 và điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm”.

Như vậy, trường hợp cá nhân, tổ chức không thông báo thiết lập website thương mại điện tử hoặc có thông báo nhưng chưa được xác nhận đăng ký mà vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh trên website thì sẽ bị xử phạt với mức phạt tương ứng như trên.

An Nguyên

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích