Đấu giá quyền sử dụng đất: Nếu làm tốt hiệu quả sẽ rất cao
Thêm nguồn thu ngân sách
Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 – Quốc gia vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gia Lâm. Theo đó, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng để bán và xây dựng công trình thương mại, dịch vụ, bãi đỗ xe tại khu đất Tháp Vàng, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Khu đất có diện tích 16.862,2 m2, gồm 15.058,1 m2 đất nhà ở liền kề (mật độ xây dựng 88,2%, tầng cao 4 tầng, số lô đất 182, hệ số sử dụng đất 3,5 lần, dân số dự kiến 728 người); 848,5 m2 đất thương mại dịch vụ (mật độ xây dựng 31,3%, hệ số sử dụng đất 0,63, tầng cao 2 tầng); 955,6 m2 đất bãi đỗ xe.
Việc hoàn thành các phiên đấu giá đất không những tạo nguồn thu cho ngân sách mà còn giúp dẫn dắt cho thị trường. |
Phía bắc khu đất đấu giá giáp đường liên thôn xã Phú Thị, phía tây giáp sông Thiên Đức, phía đông giáp đường liên xã Phú Thị – Dương Quang, phía nam giáp khu đất nông nghiệp thôn Trân Tảo, xã Phú Thị. Giá khởi điểm khu đất hơn 540,1 tỷ đồng. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng và tối thiểu phải qua 3 vòng đấu giá bắt buộc, theo phương thức đấu giá trả giá lên.
Còn tại huyện Mê Linh, trong tháng 1/2024 vừa qua, đơn vị cũng đã hoàn thành phiên đấu giá quyền sử dụng đất 47 thửa đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh, mỗi thửa đất có diện tích từ 90m2 đến hơn 123m2, với mức giá khởi điểm từ hơn 20 triệu đến gần 32 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá đã thành công, thu ngân sách hơn 136 tỷ đồng, chênh lệch hơn 23 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Tiếp nối phiên đấu giá thành công này, mới đây Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp Công ty Đấu giá hợp danh số 5 – quốc gia vừa thông báo phát hành, bán và tiếp nhận hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất đối với 26 thửa đất tại khu Quán Chợ, thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc và bốn thửa đất tại điểm X2, Tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh. Bốn thửa đất đấu giá tại đây có diện tích từ 125m2 đến 129m2, với mức giá khởi điểm từ 26 – 27 triệu đồng/m2. Dự kiến, trong năm 2024, huyện Mê Linh sẽ đấu giá khoảng 500 thửa đất để dành nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, nhằm đáp ứng tiêu chí lên quận và thành phố trực thuộc Thủ đô trong thời gian tới.
Không riêng gì tại Mê Linh và Gia Lâm, các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đông Anh, Hoài Đức, Thị xã Sơn Tây… cũng đã tổ chức thành công nhiều phiên đấu giá đất trong quý I/2024. Nhìn chung các phiên đấu giá thu hút đông người tham gia, và giá trúng đấu giá đều cao hơn mức giá đưa ra, từ đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.
Cần cơ chế kiểm soát
Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay, đất đai và bất động sản là một trong những nguồn lực chính đóng góp cho sự tăng trưởng chung của các địa phương. “Việc tổ chức quy hoạch, xây dựng hạ tầng khung, từ đó tiến hành đấu giá đất vẫn nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách là việc làm cần thiết. Các mức giá sẽ do thị trường điều tiết, cứ nhìn lại sự chênh lệch giữa giá trị đấu giá thành công sẽ thấy rõ”, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cũng lưu ý, tổ chức “thành công” các phiên đấu giá đất là không dễ dàng, trong đó có rất nhiều lưu ý từ xác định giá thẩm định đất, duyệt kết quả trúng đấu giá. Về lý thuyết anh cứ trả giá cao là trúng đấu giá, tuy nhiên, giao dịch cuối cùng có thành công hay không cũng là câu chuyện khác, có rất nhiều mánh khóe được sử dụng như tạo hồ sơ ảo, cố tình nâng giá… Chưa kể đến việc quản lý giá, nếu bước giá lên quá cao cũng sẽ tạo nên tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản.
Câu chuyện về phiên đấu giá với 33 thửa đất tại dự án Hạ tầng kỹ thuật, để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu Mả Trâu, thôn Đồng Nhân, xã Đông La là một ví dụ điển hình. Ngày 25/3, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại địa chỉ nêu trên. Cuộc đấu giá thực hiện đấu nhiều vòng để lựa chọn người trúng đấu giá. Tại vòng 1 cuộc đấu này, 15/33 thửa đất có giá khởi điểm hơn 57 đến hơn 62 triệu đồng/m2 đã được người tham gia đấu giá trả lên trên 100 đến 180 triệu đồng/m2.
Sau đó tại vòng 2 khách hàng trả giá cao nhất lại không trả giá để bị truất quyền, tạo điều kiện cho người trả thấp hơn ở vòng 1 trúng đấu giá. Xét thấy khách hàng có dấu hiệu đấu vi phạm quy định về đấu giá tài sản nên căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 47 Luật đấu giá tài sản năm 2016, Đấu giá viên cuộc đấu giá đã tuyên bố dừng cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 33 thửa đất này. Ngay sau đó, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 – Quốc gia phối hợp cùng Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức niêm phong toàn bộ 138 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, 371 phiếu trả giá vòng đấu giá số 1, 364 phiếu trả giá vòng đấu giá số 2 để chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Diễn biến của vụ việc cho thấy sự liên quan từ công ty thẩm định giá, các đơn vị chức năng trong huyện thậm chí cả cán bộ Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hà Nội…
Rõ ràng nguồn lực đất đai và bất động sản là con dao hai lưỡi, nếu làm tốt thì đây sẽ là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương cũng như sự phát triển bền vững của đô thị, đặc biệt tại huyện ngoại thành, ven đô, nơi đang rất cần nhiều nguồn lực phát triển hạ tầng. Ngược lại làm không tốt, thiếu kiểm soát sẽ rất dễ tạo ra bong bóng bất động sản, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.
Tuấn Dũng
Nguồn: Báo lao động thủ đô