Đau đầu với rác xây dựng
Đau đầu với rác xây dựng
Các chất thải rắn có kích thước lớn phát sinh trong quá trình xây dựng, sinh hoạt của người dân như xà bần, giường, tủ, bàn, ghế sofa, nệm… tại TP.HCM ngày càng nhiều làm gia tăng áp lực lên môi trường và cảnh quan đô thị.
Khi gia đình tôi sửa chữa lại cái bếp đã nhờ được một người nhận chở xà bần mang đi xử lý với giá 300.000 đồng. Đáng nói là, vài ngày sau, tôi tình cờ biết được chuyến xe chở xà bần của gia đình tôi đã được người này xử lý bằng cách… đổ xuống bãi đất trống cách nhà tôi chỉ vài kilômet.
Mới đây, một gia đình người quen của tôi cũng xây nhà mới nên bỏ hết bàn ghế cũ, sắm nội thất mới. Khổ nỗi là không biết cách giải quyết đống bàn, ghế hư hỏng ra sao vì mấy người thu gom rác từ chối nhận. Họ đã đập, bẻ gãy thành từng mảnh nhỏ, bỏ vô bao chờ đêm đến chở ra mấy đoạn đường vắng ở ngoại thành bỏ đại.
Chuyện bàn, ghế, giường, tủ, nệm… đã cũ bị vứt chỏng chơ ở bên vệ đường, có khi ngay bên cạnh bờ sông là hình ảnh thường thấy. Điều đó càng khiến cho cảnh quan đô thị thêm nhếch nhác, môi trường đất, nước bị đe dọa nghiêm trọng vì những chất liệu như da, kim loại… không được xử lý. Nghịch lý ở chỗ, người dân muốn được đem rác đi vứt thì không có chỗ hoặc chi phí xử lý quá cao. Các đơn vị thu gom lại thiếu trang thiết bị, cơ chế tài chính và nhân lực để thực hiện.
Theo quy định, muốn xử lý những loại rác ngoại cỡ, người dân có thể liên hệ tổ chức, doanh nghiệp có thẩm quyền. Cụ thể là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP, các công ty dịch vụ công ích quận huyện. Hai bên sẽ ký hợp đồng, người dân có trách nhiệm thanh toán chi phí dựa trên khối lượng, kích cỡ rác cần thu gom. Ngoài ra, mỗi công ty đều có đường dây nóng hướng dẫn, tiếp thu mọi vấn đề liên quan đến rác thải. Vậy mà trong thực tế rất ít người dân để ý đến vấn đề này.
Không ít người vẫn biết việc bỏ ở đầu hẻm hoặc ở những đoạn đường vắng những loại rác quá khổ là sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị, nhưng để liên hệ cơ quan chức năng rồi chờ đợi được hẹn ngày giờ có người đến mang đi thì không chỉ phiền hà mà còn tốn thời gian và phát sinh chi phí. Vậy nên họ cứ bỏ ngoài đường cho người khác xử lý.
Từ kinh nghiệm của một số nước trong khu vực cho thấy luôn có những quy định rõ ràng, cụ thể trong lĩnh vực này nhằm giúp người dân tuân thủ nghiêm túc.
Như tại Nhật Bản, người dân muốn bỏ rác kích cỡ lớn phải thông báo trước với chính quyền địa phương, phải thanh toán đầy đủ các khoản vận chuyển, xử lý rác cồng kềnh. Trong khi đó, Malaysia buộc phải phân nhỏ đồ đạc lớn, quá khổ cho vừa thùng rác công cộng.
Để giải quyết bài toán thu gom và xử lý rác thải cồng kềnh, thiết nghĩ bên cạnh xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, các ngành chức năng cần có biện pháp căn cơ hơn nữa như tăng số trạm trung chuyển rác, xà bần để người dân đỡ khó khăn trong khâu vận chuyển khi có nhu cầu. Xây dựng phương án thu gom và xử lý rác thải cồng kềnh, phân cấp theo từng khu vực. Tăng cường hoạt động tái chế, tái sử dụng trước khi chuyển đến các địa điểm xử lý.
Cần huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức phi chính phủ cùng các trung tâm hoạt động về môi trường tổ chức những ngày hội thu gom rác vừa là cách thức thu gom hiệu quả vừa nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn.
Hơn thế nữa, để hình thành thói quen và tạo sự tiện lợi cho người dân trong việc xử lý rác thải cồng kềnh, các địa phương cũng sớm bố trí các điểm tập kết ngay gần các khu dân cư; thông báo về cách thức và thời gian, địa điểm thu gom để người dân dễ dàng phối hợp..
Đặc biệt, cần học tập theo các nước tiên tiến trong việc phân loại rác, quy định cụ thể và lên lịch việc thu gom rác, thu gom vào một ngày cố định trong tuần, đương nhiên phải đóng thêm tiền nhưng có quy định mức đóng một cách rõ ràng, minh bạch.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị